SỐNG KHỎE

Cứu sản phụ hôn mê, phù phổi cấp do sản giật nặng

29/11/2024 - 18:00

Phù phổi cấp là một biến chứng trong sản khoa có thể xuất hiện trong thai kỳ, chuyển dạ hoặc sau khi sinh.

Kích hoạt báo động đỏ, cứu bệnh nhân

Ngày 29/11, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, nhờ sự phối hợp chuyên nghiệp của kíp cấp cứu hồi sức và các phẫu thuật viên, bệnh viện vừa cứu sống thành công một sản phụ phù phổi cấp, hôn mê do sản giật nặng.

Sản phụ Bùi Hồng Hạnh 23 tuổi (Vĩnh Bảo – Hải Phòng) mang thai ở tuần thứ 37, nhập viện với thể trạng béo phì, huyết áp cao 200/110mmHG, phù mặt, tim nhịp tim nhanh, co giật, hôn mê, chỉ số SPO2 giảm, xuất hiện bọt hồng ở miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy sản phụ có dấu hiệu phù phổi cấp do sản giật. Khi đó tính mạng của cả 2 mẹ con rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành báo động đỏ, huy động các bác sĩ liên chuyên khoa tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, dùng thuốc chống phù não. Sau khi cấp cứu thành công, siêu âm nhận thấy có tim thai, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo an toàn tính mạng cho em bé.

  Cứu sản phụ hôn mê, phù phổi cấp do sản giật nặng - Ảnh minh hoạ

  Cứu sản phụ hôn mê, phù phổi cấp do sản giật nặng - Ảnh minh hoạ

Ca phẫu thuật diễn ra kịp thời, tính mạng sản phụ và thai nhi được bảo toàn, bé gái chào đời với cân nặng 2.550gram. Sản phụ sau sinh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực Nội để chăm sóc và điều trị. Đến nay sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe 2 mẹ con sản phụ đều ổn định.

Gia đình chị Hạnh chia sẻ: trực tiếp thấy tình trạng sức khỏe chị Hạnh diễn biến quá nhanh và nguy kịch, gia đình thực sự rất sợ hãi. Nhìn thấy các bác sĩ chạy đua cùng thời gian, nỗ lực cứu sống tính mạng của cả 2 mẹ con, thực sự không gì có thể diễn tả được.

Biến chứng sản khoa xuất huyết cả suốt thai kỳ, chuyển dạ và sau sinh

Theo Bs.CKII. Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu Bệnh viện cho biết, phù phổi cấp là một biến chứng trong sản khoa có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau khi sinh. Phù phổi cấp chiếm từ 0,08 - 0,5 % phụ nữ có thai.

Bệnh thường xảy ra ở những trường hợp như đẻ nhiều lần, có bệnh hẹp van tim, bệnh thận mạn tính, tiền sản giật, nhiễm trùng trong mang thai... Bệnh gây biến chứng suy hô hấp cấp và tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp.

Nguyên nhân là do:

Thay đổi tuần hoàn khi mang thai: Ngay từ khi có em bé, người mẹ bắt đầu có hiện tượng giữ nước trong cơ thể. Nước được giữ lại và phân phối đều trong tổ chức mô mềm. Đặc biệt hiện tượng này tăng nhiều trong 10 tuần cuối thai kỳ cho đến khi chuyển dạ, sau sinh sẽ giảm đột ngột.

Thể tích huyết tương tăng nhanh, tăng rõ ràng nhất là từ tuần thứ 6 cho đến tuần thứ 34 và giữ ổn định cho tới lúc sinh. Thể tích huyết tương trở lại bình thường sau 6 tuần hậu sản.

Nhịp tim của thai phụ tăng cùng với tuổi thai, trung bình tăng khoảng 15%. Lưu lượng tim tăng do nhu cầu tiêu thụ oxy cao cho cả mẹ, thai nhi và phần phụ. Tốc độ tuần hoàn cũng tăng do có sự thông nối giữa hệ động mạch người mẹ với tĩnh mạch của nhau thai.

Mặt khác, tư thế của tim thay đổi do tử cung lớn, đẩy cơ hoành lên cao làm cho tim từ trục dọc chuyển sang tư thế nằm ngang. Như vậy, làm các mạch máu từ tim ra hơi gập nhẹ, hậu quả là tim làm việc trong điều kiện khó khăn hơn trước khi mang thai.

Bệnh tim: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tim của người mẹ ở mức độ nặng hay nhẹ, điển hình nhất là hẹp van 2 lá với tỉ lệ 70 - 90% gây biến chứng phù phổi cấp. Mức độ hẹp càng nhiều thì bệnh càng nặng và biến chứng càng nhiều. Tổn thương nhiều van tim bệnh càng nặng.

Số lần sinh trước đây: Những người sinh con lần đầu nguy cơ bệnh xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều lần.

Tuổi thai: Thai càng lớn thì các biến cố tim mạch trong sản khoa xảy ra càng nhiều.

Tăng huyết áp thai kỳ: Các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật nặng thì các cơn phù phổi cấp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để xuất hiện.

Ngoài ra phù phổi cấp còn gặp trong các trường hợp thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, bệnh thận, ngộ độc thuốc hoặc ngộ độc các độc chất khác...

Biểu hiện của phù phổi cấp thường sẽ có các triệu chứng báo trước vài giờ hoặc lâu hơn. Nếu phát hiện sớm các dấu hiệu này sẽ rất có lợi trong điều trị và có thể phòng ngừa được cơn phù phổi xảy ra.

Thể điển hình: Biểu hiện là cơn kịch phát, tính chất rầm rộ với triệu chứng sau: Sản phụ mang thai bị phù phổi cấp sẽ đột ngột khó thở, nhịp thở tăng lên kèm ho nhiều; Môi và đầu ngón tay, chân tím; Tinh thần hốt hoảng lo sợ, cảm giác tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay; Tim đập nhanh, nhịp tim > 100 lần/phút.

Huyết áp thường kẹt hoặc tăng huyết áp trong tiền sản giật, các bệnh thận. Tuy nhiên, có thể gặp thể hạ huyết áp do trụy tim mạch, đây là bệnh cảnh nặng chứng tỏ tim không làm việc để bù trừ kịp và dẫn đến suy hô hấp cấp.

Thể bán cấp: Cũng xuất hiện với khó thở đột ngột, cảm giác ngứa cổ. Thể bệnh này hay gặp hơn.

Ngoài ra, chúng ta có thể gặp thể tối cấp sẽ diễn tiến rất nhanh trong vòng vài phút. Tuy nhiên, bất kỳ thể lâm sàng nào của phù phổi cấp cũng đều cho tiên lượng xấu như nhau.

Để phòng tránh phù phổi cấp phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ tại các Bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Đặc biệt với những sản phụ có những dấu hiệu của tiền sản giật như: cao huyết áp, phù chân, tay… thì cần phải được quản lý thai nghén sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/cuu-san-phu-hon-me-phu-phoi-cap-do-san-giat-nang-2057411.html
...