SỐNG KHỎE

Bé 7 tuổi hoại tử da đầu do nấm bội nhiễm, cách phòng tránh

28/11/2024 - 18:00

Bé gái 7 tuổi bị hoại tử da đầu nghiêm trọng, nguyên nhân từ những ổ áp xe vùng chẩm do nấm bội nhiễm.

Phải phẫu thuật chuyển da vì nấm da đầu

Khởi phát từ những khối sưng đỏ, đau nhức ở vùng chẩm, các ổ áp xe dần phát triển, tự vỡ mủ, và hoại tử da đầu. Gia đình tự điều trị kháng sinh tại chỗ nhưng không hiệu quả, khiến tình trạng ngày càng nặng thêm.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), bệnh nhi được chẩn đoán: Đa ổ áp xe vùng chẩm do nấm hoại tử bội nhiễm dẫn đến hoại tử da đầu. Các ổ áp xe có kích thước từ 1cm đến 4x4cm, nhiều ổ đã vỡ mủ và đóng vảy.

  Hoại tử da đầu vì nấm - Ảnh BVCC

  Hoại tử da đầu vì nấm - Ảnh BVCC

Với tình trạng hoại tử da gây khuyết hổng phần mềm kích thước lớn lộ xương không có khả năng khâu trực tiếp, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện phẫu thuật chuyển vạt da để che phủ tổn thương, đảm bảo phục hồi không chỉ về mặt sức khỏe mà còn yếu tố thẩm mỹ, đặc biệt quan trọng với bệnh nhi gái.

Một ca bệnh đầy thách thức, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và chuyên môn cao, bệnh nhi đang hồi phục tốt, trở lại cuộc sống bình thường với diện mạo lành lặn.

Bố mẹ không chủ quan với những triệu chứng bất thường. Hãy thăm khám y tế sớm để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc.

Nguyên tắc quan trọng phòng ngừa nấm da

TS.BS. Trần Cẩm Vân, Trưởng Khoa Xét nghiệm Vi sinh, Nấm, Kí sinh trùng, Bệnh viện da liễu Trung ương cảnh báo, nấm da là một bệnh da liễu phổ biến ở các nước khu vực nhiệt đới và xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè. Bệnh do các vi nấm có khả năng xâm nhập và sinh sống trên da gây nên.

Bệnh nấm da có thể bị ở mọi nơi trên da nhưng thường gặp ở một số nơi như bàn tay, bàn chân, bẹn, nách, đầu... nơi da ẩm ướt và nóng, gây ngứa ngáy khó chịu, trường hợp nặng có thể gây nhiễm khuẩn, xuất hiện mụn mủ, sưng tấy, sốt.

  Phẫu thuật ghép da hoại tử cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

  Phẫu thuật ghép da hoại tử cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Nấm da rất dễ lây cho các vị trí khác trên cơ thể của bản thân và cho cả người khác. Phương thức lây truyền chủ yếu là lây trực tiếp.

Nếu nghi ngờ mình bị mắc nấm da, bạn hãy đến với cơ sở chuyên khoa da liễu gần nhất để được làm thêm xét nghiệm cần thiết để có chẩn đoán chính xác, bởi nấm da rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh da khác như: viêm da cơ địa, vảy nến,...

Ngoài ra, cần lưu ý tránh tự ý chẩn đoán và điều trị bệnh bởi nếu điều trị sai cách, không những bệnh không thuyên giảm mà còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh có đặc điểm dễ lây lan và có khả năng tái phát nếu không được điều trị dứt điểm và phòng ngừa đúng cách. Những nguyên tắc quan trọng để phòng ngừa nấm da gồm:

1. Trước tiên cần phải tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bằng cách không dùng chung các vật dụng cá nhân như nón mũ, áo quần, giày dép, cắt móng tay, khăn mặt và khăn tắm. Ngoài ra tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật nuôi có thể là nguồn lây bệnh nấm da như chó, mèo,...

2. Thường xuyên vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh nấm da, đặc biệt là ở những nơi nóng ẩm. Nên phơi đồ trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

3. Mặc những loại vải mỏng và thoải mái như cotton, đặc biệt với đồ lót. Những nơi dễ bị nấm như bộ phận sinh dục, bàn chân, ngón chân, nách cần được vệ sinh thường xuyên và giữ cho da luôn khô thoáng..

4. Khi có dấu hiệu bị nấm da cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ kết quả xét nghiệm sẽ được chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đủ thời gian.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, tránh tự ý mua thuốc dùng hoặc theo hướng dẫn của người không phải là bác sĩ da liễu để tránh gặp phải các biến chứng.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/be-7-tuoi-hoai-tu-da-dau-do-nam-boi-nhiem-cach-phong-tranh-2056776.html
...