SỐNG KHỎE

Người hay gặp ác mộng lão hóa nhanh và nguy cơ tử vong sớm hơn

05/07/2025 - 18:00

Những giấc mơ kinh hoàng trong đêm không chỉ khiến bạn tỉnh giấc trong hoảng loạn mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang già đi nhanh chóng.

Một nghiên cứu quy mô lớn từ Anh cho thấy người thường xuyên gặp ác mộng có tốc độ lão hóa sinh học nhanh hơn và nguy cơ tử vong trước tuổi 70 cao gấp ba lần bình thường.

Dấu hiệu cảnh báo tuổi sinh học đang rút ngắn

Trong nghiên cứu đăng tải trên Newscientist, nhóm của TS.BS. Abidemi Otaiku, Đại học Imperial College London đã phân tích dữ liệu từ hơn 183.000 người trưởng thành, độ tuổi từ 26 đến 86, tham gia nhiều khảo sát dài hạn. Ban đầu, những người tham gia tự báo cáo tần suất gặp ác mộng của họ, sau đó được theo dõi trong thời gian từ 1,5 năm đến 19 năm.

Kết quả cho thấy, những ai gặp ác mộng ít nhất mỗi tuần có nguy cơ tử vong sớm cao hơn gấp ba lần so với người hiếm khi hoặc không bao giờ gặp ác mộng. Đáng chú ý, tần suất gặp ác mộng còn là yếu tố dự báo tử vong sớm mạnh hơn cả hút thuốc, béo phì, ăn uống kém lành mạnh hoặc lười vận động.

 Ảnh minh họa: Shutterstock

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Không dừng lại ở đó, các nhà nghiên cứu còn đo độ tuổi sinh học bằng cách kiểm tra telomere – đoạn DNA ngắn ở đầu nhiễm sắc thể, vốn rút ngắn dần sau mỗi lần tế bào phân chia. Telomere càng ngắn, cơ thể càng lão hóa nhanh. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá "đồng hồ sinh học" thông qua các chỉ dấu phân tử gọi là epigenetic clocks.

Kết quả tiếp tục củng cố phát hiện ban đầu, những người thường xuyên gặp ác mộng bất kể giới tính, độ tuổi hay sắc tộc đều có telomere ngắn hơn và tốc độ lão hóa sinh học nhanh hơn. Ngay cả trẻ em 8–10 tuổi, nếu hay gặp ác mộng cũng cho thấy dấu hiệu lão hóa tế bào sớm. Ở người lớn, tình trạng này chiếm khoảng 40% nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.

Vì sao ác mộng lại đáng sợ đến vậy?

Theo TS. Otaiku, có hai cơ chế sinh học giải thích cho tác hại nghiêm trọng của ác mộng:

Thứ nhất, ác mộng làm gia tăng kéo dài nồng độ cortisol – hormone gây căng thẳng vốn có liên quan đến lão hóa tế bào. Những cơn ác mộng khiến tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tỉnh giấc giữa đêm, phản ứng sinh lý mạnh hơn cả những căng thẳng lúc tỉnh.

Thứ hai, ác mộng phá vỡ chu kỳ giấc ngủ sâu, thời điểm quan trọng để cơ thể tái tạo tế bào phục hồi chức năng. Việc giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, trầm cảm, suy giảm miễn dịch…

Rất may, trong phần lớn trường hợp, ác mộng có thể phòng ngừa được nếu chúng ta quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và thói quen trước giờ ngủ.

TS. Otaiku khuyến cáo tránh xem phim kinh dị vào buổi tối, duy trì nhịp sinh hoạt đều đặn, và quan trọng nhất, điều trị sớm các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm.

Bình luận về nghiên cứu, GS. Guy Leschziner, chuyên gia thần kinh tại Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (NHS), cho biết: “Phát hiện này rất đáng chú ý và có cơ sở sinh học hợp lý. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu để xác định liệu ác mộng là nguyên nhân trực tiếp hay chỉ là dấu hiệu đi kèm của các bệnh lý nền hoặc tác dụng phụ của thuốc”.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng giấc ngủ và những gì diễn ra trong giấc ngủ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Đừng xem nhẹ những cơn ác mộng lặp đi lặp lại vì chúng có thể là lời cảnh báo thầm lặng từ cơ thể rằng bạn đang già đi nhanh hơn mình tưởng.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://giadinhonline.vn/nguoi-hay-gap-ac-mong-lao-hoa-nhanh-va-nguy-co-tu-vong-som-hon-d206849.html
...