Thở khí công tránh biến chứng tiểu đường
Việc tập luyện theo phương pháp thở khí công, day ấn huyệt vị có thể giúp các bệnh nhân tiểu đường cải thiện tình trạng, giảm triệu chứng, đường huyết ổn định.
“Khí công là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích lũy và sử dụng hai loại khí là: Tiên thiên khí (khí bẩm sinh do cha mẹ sinh ra) và hậu thiên khí (khí hấp thụ vào cơ thể thông qua đồ ăn thức uống, ánh sáng, môi trường sống…).
Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân khí. Chân khí thịnh thì người khỏe, khí suy thì người yếu, khí rối thì người bệnh”, BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Khí công Thăng Long Võ Đạo cho biết.
Hội tụ tinh khí thần để trị liệu
BS.VS Nguyễn Văn Thắng cho biết, bệnh tiểu đường là bệnh do tuyến nội tiết sinh ra, làm suy giảm hệ miễn dịch, gây nhiều biến chứng như hoại tử và loét các chi, rối loạn nội dịch toàn thân, giảm chức năng các giác quan như mờ mắt, ù tai, suy giảm trí nhớ.
Đặc biệt, tình trạng sức khỏe tổng thể suy yếu, liên quan đến cả hệ thần kinh, cơ xương và hệ nội tiết.
Việc tập luyện theo phương pháp thở khí công, day ấn huyệt vị có thể giúp các bệnh nhân tiểu đường cải thiện tình trạng, giảm triệu chứng, đường huyết ổn định.
Tam bảo quy nguyên (tinh – khí – thần hội tụ về Trung tâm): Sau khi khởi động vào cân, cơ xương, toàn thân, dùng 3 hơi thở để xả trọc khí, tức là thở vào bằng mũi và miệng rồi theo dõi hơi thở tại Đan điền (phía bụng dưới) đến khi hơi thở liên tục và đều đặn.
Thả lỏng: Hít vào tư tưởng tập trung tại Đan điền, khi thở ra thả lỏng toàn thân.
Thổ Trung quản (huyệt nằm trên rốn 4cm): Hít vào tư tưởng tập trung ở Trung Quản đề tụ khí. Khi thở ra thả lỏng Trung quản, đồng thời niệm chữ “hu” trong tâm tưởng và quán năng lượng lan tỏa khắp ổ bụng.
Thông chu thiên: Theo đường trung đạo hít vào dùng ý niệm dẫn khí từ Hội âm (tâm lực ở giữa bộ phận sinh dục và hậu môn) lên đỉnh đầu (huyệt Bách hội). Khi thở ra dùng ý niệm dẫn khí từ Bách hội đến Hội âm (đường khí đi theo nhâm mạch ở chính giữa phía trước cơ thể).
Khi đạo dẫn chu thiên khí lên đảo tròng mắt theo chiều từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới cùng chiều chuyển vận của khí lực thì sẽ dễ dàng hơn.
Chú ý không được giật hậu môn, âm khí sẽ dâng lên não gây nguy hiểm mà chỉ co hậu môn nhẹ nhàng để tạo áp lực. Ngoài ra, xoa bấm thêm huyệt Trung quản, túc tam lý và thông tuyền (huyệt nằm ở chỗ lõm giữa gan bàn chân).

Tập khí công tốt cho sức khỏe - Ảnh BVCC
Món ăn, bài thuốc trị bệnh
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, trong Đông y, bệnh tiểu đường có liên hệ đến ba tạng là Phế, Vị và Thận. Vì nhiệt nung nấu lâu ngày nên phần âm bị suy yếu, sự chuyển vận dưỡng chất rối loạn gây nên ăn nhiều (Tỳ nhiệt), uống nhiều (Phế nhiệt), tiểu nhiều (Thận nhiệt) hoặc cơ thể gầy ốm.
Đây là một bệnh mạn tính và có nhiều khả năng gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: Thiếu máu cơ tim (34,7%), suy thận (2,9%), đột quỵ, liệt nửa người (22%), hôn mê do tiểu đường (3,1%), các loại nhiễm trùng khác (6,7%)…
Tuy nhiên, nếu có sự hiểu biết về tiểu đường thì người bệnh có thể chung sống hoà bình với bệnh mà không bị hạn chế về hoạt động thể lực, trí lực trong cuộc sống.
Người bệnh có thể sử dụng các món ăn, bài thuốc hỗ trợ trị liệu như sau:
Bí đao 100g, mỗi ngày nấu chín vắt lấy nước uống thường xuyên.
Rau cần tây (cần thái) 100g, nấu sôi, giã nát vắt nước uống ngày 2 lần.
Lá thị, đậu xanh mỗi thứ 30g. Nấu chín, uống nước và ăn đậu, ngày 2 - 3 lần.
Bột hoài sơn 60g, ý dĩ 30g, nấu cháo ăn ngày 2 lần, đặc biệt tốt đối với chứng khát và đói nhiều.
Củ cải 5 củ, gạo tẻ 150g. Củ cải nấu chín vắt lấy nước, cho gạo vào nấu ăn thường xuyên.
Bột Sắn dây (cát căn) 30g, gạo tẻ 60g, nấu cháo ăn ngày 2 lần sáng tối.
Khổ qua (mướp đắng) 250g, thịt trai 100g. Nuôi con trai trong nước lạnh 2 ngày cho sạch bùn, lấy thịt nấu canh khổ qua ăn.
Cà rốt tươi vừa đủ, gạo tẻ 60g, nấu cháo ăn sáng tối. Dùng cho bệnh nhân đói, ăn nhiều.
Đông trùng hạ thảo 250g, vịt đực già 1 con. Làm sạch vịt, cho thuốc vào bụng vịt chưng cách thủy ăn. Cách ngày ăn l lần, dùng liền trong 15 - 20 lần.
Vỏ bí đao, vỏ dưa hấu mỗi thứ 15g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống thường xuyên.
Những triệu chứng cần chú ý
Hay đi tiểu: Tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
Khát: Thích uống nhiều nước, vừa uống xong lại có thể khát muốn uống tiếp.
Cảm giác đói liên tục kèm tình trạng tụt cân hoặc lên cân không giải thích được. Tuy nhiên bệnh tiểu đường type II nhiều khi không có cảm giác đói.
Dấu hiệu ngoài da: Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến các mạch máu, nếu nguồn cung cấp máu có trở ngại thì da khô, có cảm giác ngứa, nhất là quanh bộ phận sinh dục và hậu môn. Da có thể bị nhiễm trùng, ung nhọt, vết thương khó lành.
Đau chân: Lượng đường trong máu cao sẽ làm tổn thương thần kinh khiến người bệnh cảm thấy đau nhức ở chân.
Mắt mờ: Có thể áp suất ở nhãn cầu cao, gây mờ mắt, hình ảnh bị méo mó. Nếu điều trị kịp thời có thể thay đổi được, nếu không trị đúng mức, mắt có thể bị thoái hoá gây mù loà.
Mệt mỏi: Đôi khi đến rất chậm, có khi hàng tuần hoặc hàng tháng người bệnh mới cảm nhận được.