Mắt thâm quầng, dấu hiệu cơ thể đang “kêu cứu” bạn không nên bỏ qua
Mắt thâm quầng không chỉ là dấu hiệu của thiếu ngủ mà còn có thể là lời cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Thâm quầng mắt thường bị xem là hậu quả của thiếu ngủ hoặc mệt mỏi tạm thời. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó lại là lời cảnh báo âm thầm cho thấy cơ thể đang rơi vào trạng thái suy kiệt, thậm chí tiềm ẩn bệnh lý đáng lo ngại.
Theo Ths. BS CKI Phạm Trường An Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ trên Vnexpress cho hay: “Thâm quầng mắt là tình trạng vùng da dưới mí mắt sẫm màu (nâu sẫm, tím, xanh) hơn các vùng khác, khiến gương mặt trông mệt mỏi và kém tươi trẻ. Sự chênh lệch này tùy thuộc vào cơ địa và màu da mỗi người.
Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thường không phải triệu chứng bệnh lý. Mắt thâm quầng chủ yếu do lão hóa khiến vùng da mí mắt dưới lỏng lẻo và mỏng dần, dẫn đến mạch máu dưới da dễ nhận thấy, da sậm màu hơn. Vùng trũng dưới mí mắt (rãnh lệ) cũng có thể tạo ra quầng thâm”.

Thâm mắt không chỉ là chuyện “ngủ ít”
Mắt thâm quầng, còn gọi là quầng thâm dưới mắt, là hiện tượng vùng da quanh mắt chuyển sang màu xanh, tím hoặc nâu đen, khiến gương mặt trông mệt mỏi, kém sắc. Nhiều người thường bỏ qua triệu chứng này vì cho rằng đây chỉ là hậu quả của việc thức khuya hay áp lực công việc.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến mắt thâm quầng
- Thiếu ngủ, stress kéo dài: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi ngủ không đủ giấc, tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, dẫn đến ứ đọng máu tại vùng da quanh mắt – nơi có cấu trúc mỏng và nhạy cảm nhất.
- Thiếu sắt, thiếu máu: Khi cơ thể không đủ máu để cung cấp oxy, vùng da quanh mắt sẽ trở nên tối màu hơn, hình thành quầng thâm rõ nét.
- Dị ứng và viêm xoang: Các bệnh dị ứng, viêm mũi, viêm xoang mạn tính làm ứ trệ mạch máu dưới da quanh mắt, khiến vùng này thâm tím.
- Bệnh lý gan, thận: Gan và thận là cơ quan thải độc của cơ thể. Khi chức năng này bị suy giảm, độc tố tích tụ có thể biểu hiện qua da, đặc biệt là vùng quanh mắt.
- Di truyền hoặc cấu trúc da:Một số người có làn da quanh mắt mỏng bẩm sinh, khiến các mạch máu bên dưới dễ bị lộ ra, gây cảm giác thâm quầng dù sức khỏe bình thường.

Cách cải thiện và phòng tránh quầng thâm mắt
- Ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng/ngày), đi ngủ trước 23h.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, tránh ánh sáng xanh.
- Bổ sung thực phẩm giàu sắt, vitamin K, C, E như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.
- Uống đủ nước, tránh rượu bia và cà phê sau 19h.
- Chườm lạnh hoặc dùng kem mắt chứa caffeine, vitamin C để giảm sưng và thâm nhẹ.
- Tập thể dục đều đặn để tăng lưu thông máu, cải thiện sắc tố da.

Thâm quầng mắt không chỉ là một vấn đề thẩm mỹ mà còn có thể là biểu hiện rõ ràng cho thấy cơ thể đang “kêu cứu”. Việc lắng nghe những tín hiệu nhỏ từ cơ thể, chăm sóc giấc ngủ và sức khỏe nội tạng là cách tốt nhất để giữ cho đôi mắt luôn sáng khỏe, thần sắc rạng rỡ.