GIA ĐÌNH

Biết đứng lên từ vũng bùn

05/07/2025 - 12:30

Trong đạo lý làm người, việc phản tỉnh, thấy sai và sửa lỗi là một việc đáng ngợi khen...

 

 

Đôi khi, vì hờn giận, vì nóng nảy, không kiềm chế được bản thân mà ta đã hành xử "không như là mình" của vài giây, vài giờ trước đó, hay của cả một quá trình mình phấn đấu gìn giữ lời nói, hành vi tốt đẹp lâu nay. Có nghĩa là khi đó ta đang trong trạng thái "giận quá mất khôn" hay "khôn ba năm dại một giờ" - theo kiểu ông bà mình hay nói.

Tất nhiên, khi đó ta sẽ hành xử không dễ thương, ta nghĩ tùm lum tá lả những điều chi chi đâu đó, rồi ta nói những lời mà người nghe đắng lòng - lệ rơi. Thi thoảng, ta sẽ im lặng và không thèm đói hoài tới người kia trong sự giận dữ nhưng lại được bọc lót bởi lớp vỏ "ta đang vì họ, ta không muốn tiếp tục làm thương tổn họ". Khi đó, dẫu im lặng nhưng không "là vàng" và cũng không phải là "bất bạo động" mà ngược lại, sự im lặng đó có tính tàn phá có khi còn kinh khủng khiếp hơn là nói một điều gì đó, dẫu là lời hờn trách vu vơ.

Sự im lặng ấy tàn phá năng lượng bình yên trong ta, nó làm cho ta nghẹt thở, đớn đau, mày chau mặt ủ, và tất nhiên, ta luôn trong trạng thái khó chịu, nóng bức như đang ngồi trên đống lửa khi nghĩ về đối tượng làm cho ta phiền, giận. Ta đang khổ, đồng thời, người kia cũng khổ theo ta, khổ vì ta - bởi sự im lặng lạnh lùng của mình. Từ đó, dẫn tới rạn nứt trong mối quan hệ, tình cảm, bóp nát mọi cơ hội để ta và người kia có thể làm lại từ đầu.

Đôi khi người ta còn thương nhau, còn nhớ nhau nhiều lắm nhưng vì sự im lặng quá lâu, quá đáng đã ngăn bước trở về của cả hai, đã đủ khoét một hố sâu thăm thẳm để chia hai người đi về hai lối rẽ mà thời gian một đời có khi không đủ bắc lại nhịp bờ vui. Do vậy, hãy cẩn trọng để tránh vì một phút giây nông nỗi, nóng giận, buồn lòng mà ta nói, làm những điều đớn đau cho người và làm thương tổn cho ta.

Khi giận, ta có thể nếm một cái chén, cái bát bể tung tóe, giá trị vật chất có thể không đáng gì, ta có thể làm lại được cả trăm cái bát, cái chén ấy trong ngày một ngày hai, nhưng có khi ta không thể làm lành vết thương lòng sau cú nếm bể tung ấy ở người kia. Vì thế, xa nhau đôi lúc chỉ bởi một hành động nông nổi, dại khờ kiểu như thế. Trong nhà Phật gọi tên trường hợp ấy bằng mấy chữ ngắn sau: "Một chút lửa sân, đốt tan cả rừng công đức". Thế gian thì người xưa cảnh báo "chén nước đã đổ hốt sao cho đầy".

Điều đó có nghĩa là, ngọn lửa sân giận trong giây lát có thể thiêu rụi hết những giá trị mà mình đã chung tay đắp xây ngày này, tháng khác. Nhất là đối với người dễ tổn thương và khó bao dung hay với những người đã chịu đựng quá nhiều những lầm lỡ của ta thì lắm lúc, sự việc bé tẹo hôm nay cũng trở thành nguyên nhân dẫn tới chia lìa, thành thời điểm cụ thể đặt dấu chấm hết cho một cuộc tình, một cuộc hôn nhân hay một mối quan hệ bất kỳ được dựng xây từ sự chọn lựa, cần tôn trọng theo nguyên tắc "tương kính như tân".

Tất nhiên, nói đi rồi cũng phải nhấn lại rằng, con người ai cũng có lúc vụng về, có lúc không phải là mình - nên khi lỗi lầm không phải là bản chất thì chắc chắn sẽ được dung thứ; còn ai đó lạm dụng sự tha thứ, bao dung nơi người thương để ngày càng trở nên quá đáng thì tất phải có lúc nhận về cay đắng phần mình.

Trong đạo lý làm người, việc phản tỉnh, thấy sai và sửa lỗi là một việc đáng ngợi khen, với tư duy tích cực thì đó là con đường hoàn thiện bản thân tốt nhất. Bởi sau thất bại là thành công - đối với những ai tinh tế, ân cần nhận ra bài học máu xương, nước mắt.

Vì thế, người mạnh mẽ chính là người biết đứng lên từ vũng bùn, biết chuyển hóa những xấu xí, dở ẹc nơi bản thân thành tươi đẹp, thơm tho. Nên, không bi quan trong những lúc lỡ sai lầm chính là chọn hướng quay về nẻo thiện và kiên quyết sửa mình trở nên tinh nhuệ, giàu tình thương hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/dung-len-tu-vung-bun-d93879.html
...