Đậu bắp giàu dinh dưỡng, nhưng những người này không nên ăn
Đậu bắp, vỏ và hạt của nó chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư, tim mạch…Tuy nhiên, một số người không nên ăn thực phẩm này.
Lợi ích của đậu bắp
Theo các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu và chỉ ra rằng đậu bắp có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Thực phẩm này dù ăn sống, chế biến thành các món ăn, ép nước uống đều phát huy được các tác dụng như: ngăn ngừa thiếu máu, hỗ trợ tiêu hoá, giúp xương chắc khỏe… Dưới đây là một số tác dụng nổi bật của quả đậu bắp:
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Đậu bắp chứa polyphenol - một loại chất chống oxy hóa có trong thực phẩm thực vật giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim và đột quỵ. Chất nhầy trong đậu bắp có thể liên kết với cholesterol và tống nó ra khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa.
Một nghiên cứu cho thấy những con chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo có chứa bột đậu bắp có mức cholesterol trong máu thấp hơn. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên con người.
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Chất xơ trong đậu bắp có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giảm đầy hơi. Ngoài ra, đậu bắp chứa một loại chất xơ cụ thể gọi là pectin, giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp đường ruột khỏe mạnh.
Hỗ trợ trong thời kỳ mang thai
Một cốc đậu bắp chứa khoảng 15% nhu cầu folate hàng ngày, một chất dinh dưỡng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Acid folic đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi và thường được các bác sĩ khuyến cáo bổ sung cho phụ nữ mang thai.
Ngăn ngừa sự hình thành khối u
Đậu bắp chứa chất chống oxy hóa và một loại protein gọi là lectin có đặc tính chống khối u. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để hiểu được tiềm năng của đậu bắp trong điều trị ung thư.
Tăng cường thị lực
Hàm lượng vitamin A và C trong đậu bắp giúp cải thiện thị lực, phòng ngừa các bệnh về mắt.
Giúp trẻ hóa làn da
Vitamin C và K trong đậu bắp giúp làn da luôn tươi trẻ và khỏe mạnh. Bên cạnh đó các loại vitamin khác cũng hỗ trợ bảo vệ và sửa chữa mô trong cơ thể, thúc đẩy quá trình hình thành collagen và sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da và phục hồi tổn thương.
Ai không nên ăn đậu bắp?
Tuy đậu bắp có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn nhiều đậu bắp hàng ngày có thể khiến một số đối tượng dưới đây gặp một số tác dụng phụ không mong muốn.
Người có vấn đề về đường ruột
Đậu bắp chứa nhiều fructans, một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy và đầy hơi ở những người đã và đang có vấn đề về đường ruột.
Điều đáng chú ý là những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích và rối loạn đường ruột nhạy cảm với thực phẩm giàu fructan như đậu bắp.
Người bị sỏi thận
Những người đã từng bị sỏi thận cũng nên tránh sử dụng đậu bắp vì trong đậu bắp có chứa một lượng lớn oxalat, chất này ở dạng canxi oxalat dễ hình thành sỏi thận.
Người nhạy cảm với solanine
Đậu bắp có chứa solanine có liên quan đến chứng đau khớp, viêm khớp và một số ít người nhạy cảm với thành phần này. Solanine cũng được tìm thấy trong cà chua, dâu tây, khoai tây, cà tím,... Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào cho thấy nên hạn chế solanine và loại thực phẩm với các loại rau củ quả nói chung có khả năng giảm viêm.
Người đang dùng thuốc chống đông máu
Ăn thực phẩm giàu vitamin K có ảnh hưởng đến bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin. Vitamin K được cho là giúp hình thành các cục máu đông, ngăn chặn dòng máu đến tim hoặc não một cách nguy hiểm.