SỐNG KHỎE

Bài thuốc trị ho có đờm

02/11/2024 - 16:00

Ho có đờm thường là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang hay ngạt mũi...

Ho có đờm là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhày hoặc đờm. Ho có đờm thường là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang hay ngạt mũi... Người bệnh thường có cảm giác nặng ngực, khó thở và mệt, vướng đờm ở cổ… Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y đơn giản chữa ho có đờm:

 Phật thủ.

 Phật thủ.

Bài 1: Phật thủ 30g, đường phèn 15g, hấp cách thủy nửa giờ, ngày ăn một lần. Ăn liền 1 tuần.

Bài 2: 1 quả quất (chừng 10g) rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, cho thêm 3 thìa cà phê mật ong rồi đem hấp cách thuỷ trong 15 - 20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước chín rồi chia uống vài lần trong ngày. Dùng 7-10 ngày.

Bài 3: Tang bạch bì, hoàng liên, hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi thứ 12g; kim ngân hoa, ngư tinh thảo, lô căn, đình lịch tử, mỗi vị 20g; liên kiều 16g, ma hoàng 8g, cam thảo 6g, thạch cao 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2 - 3 tuần lễ, chữa ho lâu ngày có đờm đặc.

Bài 4: Hạnh nhân 9g, la bạc tử 12g, bách bộ 9g, bạch giới tử 12g, cát cánh 9g, tử uyển 9g, khoản đông hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống trong ngày, uống liền 5-7 ngày. Chữa ho có đờm do lạnh.

 Tử uyển.

 Tử uyển.

Bài 5: Cát cánh 6g, hạnh nhân 9g, lá tía tô 9g, bạc hà 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày, uống 3-5 ngày liền. Chữa ho do lạnh có đờm loãng.

Bài 6: Lê 1 quả, gọt vỏ bỏ hạt, cắt núm, khoét bỏ lõi; cho 10g bột xuyên bối mẫu, 30g đường phèn cho vào bên trong quả lê. Hấp cách thuỷ ăn trong 1-2 lần sáng và tối, có tác dụng chữa ho kéo dài có đờm đặc.

Bài 7: Lấy củ cải rửa sạch, thái vụn hoặc thái thành từng sợi mỏng, trộn với  mạch nha ăn có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, dễ thở. Chữa ho do viêm khí quản, nhiều đờm, khó thở.

Bài 8: Dùng la hán quả 20g, với tang bạch bì 12g, sắc uống trong ngày. Uống 7-10 ngày, chữa ho có đờm vàng đặc.

Cần lưu ý, người bị ho có đờm nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nếu có thể nên xông hơi nóng bằng các loại lá có tinh dầu như bạc hà, khuynh diệp,... sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi, ăn, uống các loại quả như chanh, cam giúp bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Theo SỨC KHỎE&ĐỜI SỐNG
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tri-ho-co-dom-16936546.htm
...