Nút giao thông hiện đại nhất Hà Nội sẽ được điều chỉnh thế nào?
Nằm trong kế hoạch “đại phẫu”, nút giao thông hiện đại nhất Hà Nội sẽ được điều chỉnh lại hạ tầng và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Ngày 15/1 thông tin với PV Tiền Phong, đại diện liên ngành cho biết, trong hai ngày qua các đơn vị quản lý, điều tiết và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố đã thực hiện khảo sát và họp đưa ra phương án để thực hiện cải tạo hạ tầng, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại nút giao Thanh Xuân để giảm ùn tắc.
Ùn tắc kéo dài tại nút giao Thanh Xuân theo chiều đường Nguyễn Xiển - Vành đai 3 đổ về nút những ngày qua.
Đánh giá tình trạng giao thông tại đây, đại diện liên ngành cho biết, ùn tắc đang ở mức trầm trọng và xảy ra liên tục trong giờ cao điểm tại nút giao Thanh Xuân, nhất là trên các chiều đường đổ về nút giao như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi (hướng Hà Đông). “Việc ùn tắc kéo dài này còn ảnh hưởng, gây ùn tắc cả cho hệ thống các tuyến đường, phố trong khu vực” - đại diện liên ngành đánh giá.
Theo đại diện liên ngành, sau nhiều lần được đầu tư, xây dựng, nút giao thông Thanh Xuân đang là một trong những nút có hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại nhất (nút giao duy nhất có 4 tầng đường), gồm đường đường đi bằng ở mặt đất, hầm chui, đường trên cao, đường sắt đô thị.
Tuy nhiên do nút giao có đường Vành đai 3 đi qua, trong đó đường trên cao Vành đai 3 (kết nối với nút giao) đang có lưu lượng phương tiện gấp 6 lần năng lực thiết kế mặt đường, đã làm tăng lượng phương tiện có nhu cầu lưu thông qua nút.
Để có giải pháp phù hợp, giảm ùn tắc thời gian tới, đặc biệt là cao điểm đi lại Tết Ất Tỵ, sau khi khảo sát, liên ngành vừa thống nhất đưa ra phương án tổ chức lại giao thông tại đây. Cụ thể, với việc cải tạo hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội đã giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thực hiện lắp đặt một đảo giao thông giữa nút, việc này nhằm giảm xung đột giữa các dòng xe khi lưu thông qua nút giao.
Với hệ thống đèn tín hiệu, thay vì cài đặt cứng thời gian các nhịp đèn “xanh, đỏ” với mỗi chiều đường đang hiện thị khoảng từ 80 giây đến 120 giây, thì nay liên ngành đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ để hệ thống đèn này hoạt động và thể hiện thời gian ở đèn “xanh- đỏ” theo thực tế lưu lượng trên đường. Có nghĩa, khi chiều đường đang có đông lưu lượng xe, hệ thống đèn tự động điều chỉnh thời gian pha đèn xanh lâu hơn, với chiều đường ít lưu lượng xe hơn, hệ thống sẽ điều chỉnh tăng thời gian đèn đỏ lên.
Chiều 15/1, cho ý kiến về việc thực hiện các công việc về cải tạo hạ tầng tại nút giao Thanh Xuân theo phương án tổ chức giao thông mới, ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đang bắt đầu triển khai việc này và dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến sáng thứ 7 tuần này có thể áp dụng, điều tiết giao thông tại nút giao Thanh Xuân theo đảo giao thông.