Những chính sách nổi bật dành cho giáo viên trong năm 2024
Năm 2024, ngành giáo dục có hàng loạt chính sách mới được áp dụng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đang được trình Quốc hội cho ý kiến.
Trong năm 2024, một số chính sách dành cho giáo viên được công bố và chính thức có hiệu lực. Trong đó, nội dung nổi bật nhất là lương cơ sở của giáo viên tăng kể từ ngày 1/7.
Lương tăng 30%
Cụ thể, tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua vào cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%) từ 1/7/2024. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Như vậy, với lương cơ sở mới, lương giáo viên từ ngày 1/7 sẽ khoảng 4,91-15,87 triệu đồng/tháng. Mức cũ đang là 3,78-12,2 triệu đồng/tháng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất từ ngày 1/7. Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng/tháng. Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, dao động 4,91-11,44 triệu đồng/tháng (tùy bậc).
Tùy vị trí, nơi công tác, mỗi giáo viên có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên, ưu đãi nghề, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới nên từ ngày 1/7, Quốc hội đồng ý vẫn giữ nguyên phụ cấp hiện hành.
Giáo viên không có sáng kiến vẫn đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở
Trước đó, từ tháng 1/2024, một nội dung chính thức có hiệu lực là giáo viên không có sáng kiến vẫn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Trước đây, để đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên bắt buộc phải có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận.
Tuy nhiên từ ngày 01/01/2024, quy định mới không yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến mà có thể thay bằng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài khoa học.
Cụ thể, quy định mới tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 nêu rằng để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, giáo viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến hoặc Chiến sĩ tiên tiến.
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.
Khen thưởng cho cá nhân, tập thể đóng góp cho ngành giáo dục
Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT về chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành giáo dục. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.
Theo đó, thông tư này sẽ áp dụng với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục; người học; tập thể, hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể và người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo; tổ chức và các cá nhân liên quan công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.
Bộ quy định rõ về điều kiện đoạt bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục. Các danh hiệu bao gồm:
- Danh hiệu Lao động tiên tiến.
- Danh hiệu Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT.
- Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
- Danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến.
- Danh hiệu Cờ thi đua của Đại học Quốc gia.
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
- Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT.
- Bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia.
- Giấy khen của thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân.
Loạt điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo
Ngoài những chính sách đã được áp dụng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đang được trình lên Quốc hội cho ý kiến và nhận được sự quan tâm từ những người trong ngành giáo dục. 6 điểm mới trong dự thảo này bao gồm.
Thứ nhất, xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp. Luật Nhà giáo chuẩn đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Thứ ba là chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Thứ 4 là chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo. Nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ 5 là chính sách tiền lương và đãi ngộ. Trong dự thảo Luật Nhà giáo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non… Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.
Thứ 6 là tăng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đưa nội dung giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.