Cường lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Cường lách là hội chứng bao gồm lá lách to lên và sụt giảm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu.
Lách là một khối lớn của mô bạch huyết và mạch máu. Lách có các chức năng sinh lý như:
- Chức năng bảo vệ (chức năng miễn dịch): Làm sạch dòng máu do các đại thực bào đảm nhiệm.
- Tạo tế bào máu: Từ trong kỳ phôi thai, lách tham gia tạo hồng cầu, bạch cầu có hạt.
- Tiêu hủy các tế bào máu: Lách là nơi kiểm soát chất lượng các tế bào máu khi đi qua lách. Những tế bào già hoặc bất thường, kể cả tiểu cầu không còn hoạt động chức năng vì vi trùng, bị phá hủy trong các lỗ lưới của dây Billroth thuộc tủy đỏ. Những tế bào không còn khả năng hoạt động chức năng, bị các đại thực bào ăn và phá hủy trong bào tương của chúng. Trong khi đó các tế bào bình thường quay lại dòng máu.
- Tích trữ máu: Ở người, khả năng tích trữ máu trong lách không lớn, khi cơ thể có nhu cầu, máu sẽ được đưa ra vòng tuần hoàn. Lách dự trữ khoảng 1/3 số lượng tiểu cầu, và chỉ khoảng 30ml hồng cầu cho cơ thể.
Cường lách là hội chứng bao gồm tình trạng lách to và sự sụt giảm các tế bào máu như: hồng cầu và bạch cầu.
1. Nguyên nhân gây cường lách
Cường lách được chia làm 2 loại: Cường lách nguyên phát và cường lách thứ phát.
Cường lách nguyên phát: là tình trạng lách to kết hợp với giảm một hay nhiều dòng tế bào máu, mà không tìm thấy nguyên nhân nào khác gây cường lách.
Cường lách thứ phát (lách to do tình trạng bệnh khác gây ra). Có một số nguyên nhân gây cường lách bao gồm:
- Ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết như: Bệnh huyết sắc tố, bao gồm thalassemias, biến thể hemoglobin hồng cầu liềm …
- Tan máu bẩm sinh
- Xuất huyết giảm tiểu cầu
- Bệnh giảm bạch cầu do lách
- Bệnh giảm cả ba dòng tế bào máu do lách
- Bệnh Hodgkin
- Hội chứng Banti: tình trạng lách to do tăng áp lực tĩnh cửa hay tĩnh mạch lách thường gặp trong bệnh xơ gan.
- Các bệnh nhiễm trùng như: bệnh lao, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết...
2. Triệu chứng cường lách
Cường lách thường không gây ra biểu hiện rõ ràng. Đa phần các trường hợp mắc cường lách chỉ thấy đau bụng, đầy bụng, mệt mỏi hoặc thiếu máu. Trong một số trường hợp cường lách do nhiễm trùng có thể gây chảy máu.
Kích thước lách thường phân độ theo hệ thống Hackett, điểm số dao động từ 0 (không sờ thấy lách) đến 5 (lá lách to vượt quá rốn).
0: Bình thường, không sờ thấy lá lách
1: Sờ thấy lách mấp mé hạ sườn khi hít sâu
2: Sờ thấy lách ở đường trung đòn, giữa bờ sườn và rốn
3: Lách to đến rốn
4: Lách vượt qua rốn
5: Lách to đến khớp mu
Các bác sĩ sẽ thông qua xét nghiệm như siêu âm, CT, MRI, xét nghiệm công thức máu… để chẩn đoán tình trạng bệnh cụ thể.
3. Cường lách có lây không?
Cường lách không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây.
4. Phòng bệnh cường lách
Lá lách đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể và là cơ quan dễ bị tổn thương. Do vậy, để phòng ngừa bệnh cường lách và cũng như các biến chứng của bệnh, mọi người cần lưu ý:
- Có lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoa học. Có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Hạn chế các hoạt động hoặc môn thể thao có thể gây va chạm, chấn thương lách.
- Nếu người bệnh có những bệnh lý là nguyên nhân gây cường lách thì cần điều trị triệt để, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Khi bất kỳ có triệu chứng bất thường nào cần đến thăm khám tại cơ sở y tế để tìm nguyên nhân, phát hiện sớm bệnh.
- Nếu đã phẫu thuật cắt lách, người bệnh cần tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ nhằm tránh những nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng sau phẫu thuật.
5. Cách điều trị cường lách
Để điều trị cường lách, các bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, cường lách không phải là bệnh lý quá nguy hiểm bởi người bệnh vẫn có thể cắt bỏ lá lách và sống được. Tuy nhiên việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng có thể xảy ra như: nhiễm trùng, vỡ lá lách gây chảy máu trong khoang bụng…
Phương pháp điều trị chính của cường lách là điều trị bệnh lý nền và phẫu thuật. Việc điều trị cường lách chủ yếu sẽ tập trung vào các nguyên nhân cơ bản để sử dụng cách điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra phương án xạ trị để thu nhỏ lá lách.
Ngoài ra người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt bằng cách hạn chế rượu bia và tránh xa các hoạt động có thể gây chấn thương cho lá lách.
Sau khi cắt lách, người bệnh có thể dễ bị nhiễm khuẩn và cần được sử dụng kháng sinh dự phòng hàng ngày. Nếu bệnh nhân có xuất hiện sốt cần được bác sĩ đánh giá cẩn thận về vấn đề nhiễm trùng.