Nguy cơ sập bẫy lừa đảo khi mua bán ủy quyền sổ BHXH online
Chỉ với vài cú nhấp chuột, người lao động có thể “bán đứt” sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của mình qua mạng – một hành vi tưởng chừng đơn giản, nhưng tiềm ẩn vô số hệ lụy.
“Chợ đen” mua bán sổ BHXH hoạt động rầm rộ trên mạng
Chỉ một vài cú click chuột với từ khóa “mua sổ BHXH”, “thanh lý BHXH”, người dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt fanpage và hội nhóm rao mua bán sổ BHXH. Từ “Thanh lý BHXH trước hạn và xử lý lỗi” cho đến “Thu mua BHXH – giải ngân nhanh”, những cái tên công khai, hoạt động tấp nập, quy tụ hàng nghìn thành viên tham gia mỗi ngày.

Các hội nhóm rao mua bán sổ BHXH rầm rộ trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Trong vai người lao động đang cần tiền gấp, phóng viên đăng bài tìm người “cầm sổ BHXH” trong một nhóm Facebook có hơn 10.000 thành viên. Chưa đầy 5 phút sau, hàng loạt tin nhắn, bình luận mời chào đổ về. “Cầm trong ngày 10 triệu”, “Làm giấy ủy quyền là xong, không cần ra mặt” – là những lời cam kết mà phóng viên nhận được.
Hầu hết các tài khoản đều dùng tên giả, ảnh đại diện mờ nhạt hoặc không có, cho thấy mức độ ẩn danh cao. Một người tự xưng tên T. chủ động nhắn tin qua Zalo, khẳng định có thể hỗ trợ cầm sổ BHXH tại Bình Dương với số tiền 10 triệu đồng. “Chỉ cần gặp mặt, đưa sổ là có tiền. Không hỏi nhiều”, người này nói.
Không chỉ dừng lại ở hình thức cầm cố, nhiều “cò” còn đề nghị rút tiền BHXH một lần thay người lao động. Điều kiện là phải giao sổ BHXH gốc, căn cước công dân gắn chip và ký giấy ủy quyền. Khi được hỏi về hợp đồng hay giấy tờ pháp lý, câu trả lời thường là: “Bên em lo hết”.
Tại một nhóm khác có tên “Mua bán BHXH trước hạn”, phóng viên tiếp tục ghi nhận hàng loạt lời rao hấp dẫn: “Nhận xử lý sổ nghỉ ngang, lỗi, trùng mã số…”, “Bán sổ BHXH, nhận tiền ngay”. Không ít người khẳng định có thể “xử lý sạch” mọi trường hợp để rút tiền dù chưa đủ điều kiện.
Dưới vẻ bề ngoài là những giao dịch nhanh gọn, ít thủ tục, nhưng thực chất đây là một thị trường ngầm tiềm ẩn vô số rủi ro về pháp lý, tài chính – và cả nguy cơ đánh mất quyền lợi an sinh lâu dài của người lao động.
Không chỉ mất tiền, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Sổ BHXH không đơn thuần là một cuốn sổ ghi nhận tiền đóng – rút, mà là bằng chứng pháp lý cho cả quá trình lao động, là “chìa khóa” để người lao động tiếp cận các quyền lợi an sinh quan trọng như lương hưu, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, tai nạn lao động...
Theo quy định của pháp luật, sổ BHXH không được phép mua bán, cầm cố, chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã lách luật bằng cách yêu cầu người lao động ký giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH một lần, kèm theo bản gốc sổ BHXH và giấy tờ tùy thân. Sau đó, các đối tượng này trực tiếp đi rút tiền từ cơ quan BHXH và chỉ chia lại một phần nhỏ cho người lao động – trong khi phần lớn quyền lợi thì đã mất.

Mua bán, cầm cố sổ BHXH là vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Thị Hương (Công ty Luật Trọng Pháp) cho biết, theo Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng), hành vi kê khai sai sự thật, sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ BHXH để trục lợi có thể bị phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng và buộc nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận sai quy định.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu người lao động hoặc đối tượng trung gian sử dụng giấy tờ giả, hồ sơ sai lệch để hưởng chế độ BHXH thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 214 Bộ luật Hình sự với tội danh gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, mức án có thể lên đến 10 năm tù giam.
Điều đáng lo ngại là không ít người lao động không ý thức được rằng chính mình đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, và khi sự việc bị phát hiện, cả người ủy quyền và người nhận ủy quyền đều phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, việc giao giấy tờ gốc và thông tin cá nhân cho các “cò BHXH” còn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng danh tính để vay nợ, tham gia tín dụng đen hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác, ảnh hưởng đến uy tín, tài chính và cuộc sống của người lao động.
“Thị trường chợ đen BHXH đang ngày càng phát triển và trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Nó không chỉ gây thiệt hại cho người lao động mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia. Cần phải ngừng ngay hành vi này và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”, Luật sư Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Để ngăn chặn việc mua bán, cầm cố sổ BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị toàn ngành kiểm tra rõ đề nghị hưởng BHXH một lần của người lao động như đơn đề nghị, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống và thông tin trên sổ BHXH hoặc tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.
Cán bộ BHXH lưu ý trường hợp người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ hai người trở lên để kiểm soát, phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Điều 9 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 01/07/2025) nêu rõ “Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Quy định này giúp cơ quan chức năng có căn cứ ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi mua bán sổ BHXH để trục lợi.
Trước đó, BHXH một số nơi đã có công văn lưu ý các giao dịch liên quan đến người mua, cầm cố sổ BHXH đang bị cơ quan điều tra giải quyết. Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý người dân có vướng mắc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn có thể liên hệ hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH gần nhất để được tư vấn hoặc gọi hotline 1900.9068 hoặc số 0243.789.9999 (trong giờ hành chính). Bảo hiểm xã hội Việt Nam có duy nhất fanpage tích xanh của Facebook tại địa chỉ https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn.