Đề xuất thu phí 6 cao tốc do Nhà nước đầu tư
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thu phí tài xế đi trên 6 đoạn cao tốc Bắc Nam do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác.
Hiện nay có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm Cầu Mỹ Thuận 2), La Sơn - Túy Loan.
Trong đó, 6 tuyến cao tốc được đề xuất danh mục các tuyến cao tốc đưa vào đề án để triển khai thực hiện thu phí do đã đủ điều kiện theo quy định tại Luật Đường bộ 2024, Nghị định số 130/2024/NĐ-CP, gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm Cầu Mỹ Thuận 2), .
Hiện các tuyến này đã lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ thu phí; có đủ các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông cũng đáp ứng yêu cầu.
Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý các đoạn cao tốc trên, sẽ trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức thu phí thông qua trạm, áp dụng mô hình thu phí không dừng ETC với "đầu vào không có barrier, đầu ra có barrier".
Cục và các Khu quản lý đường bộ sẽ quản lý thu, kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí của đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để bảo đảm thu đúng, thu đủ.
Theo Cục Đường bộ, thu phí cao tốc tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống, bù đắp chi quản lý và bảo trì đường. Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.