GIA ĐÌNH

Cho dù hoàn cảnh nào, đừng tuyệt vọng!

28/03/2025 - 12:30

Cô đơn là một hiện thực nội tâm mà số đông đều có trải nghiệm trong kiếp sống. Tuy nhiên, thế giới chưa bao giờ nhìn nhận một cách nghiêm túc như thời đại ngày nay. Con người thời đại, khi nhìn bằng mắt, có vẻ rất năng động. Nhưng khi nhìn bằng tâm, nhìn sâu và chân thành, người ta rất cô đơn.

 

 

a. Nhìn thấy cô đơn

Một thống kê ở Anh cho biết có khoản 17 triệu người trưởng thành ở Anh đang cô đơn. Tình trạng cô đơn được mô tả như là hệ quả của một xã hội công nghiệp hoá, khuyến khích tiêu thụ và quên nuôi dưỡng tinh thần.

Hiện tượng Kodokushi - chết trong cô đơn - cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Số người trẻ rơi vào tình trạng này ngày càng tăng. Những nội dung như ‘Tôi muốn chết’ hay ‘Tôi khổ đau quá’ rất thường được thấy trên Twitter ở Nhật.

Tháng 8/2017, tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Holt-Lunstad nói: “Rất nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây đang phải đối mặt với một ‘đại dịch cô đơn’. Có những bằng chứng vững chắc cho thấy sự cách ly xã hội và cô đơn làm gia tăng một cách đáng kể nguy cơ tử vong sớm, và hiểm họa này vượt quá mức độ nguy hiểm của nhiều chỉ dấu thể hiện sức khỏe”.

Maki Abe - CEO một công ty cung cấp dịch vụ cho người cô đơn - cũng nói nhiều người Nhật đang phải trải qua “dịch bệnh” cô đơn. Vì luôn luôn ở một mình, có những nỗi buồn lâu ngày không người chia sẻ.

b. Những liệu pháp

Đứng trước ‘đại dịch cô đơn’, các nhà trị liệu và tư vấn tâm lý hiện đại đều có đề nghị những liệu pháp cụ thể. Điểm chung của những liệu pháp đó có thể nhìn thấy là: (1) Trải nghiệm cảm giác cô đơn; (2) Trở về với ký ức đẹp; (3) Làm những gì yêu thích; (4) Gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè; (5) Tận hưởng niềm vui khi một mình; (6) Tham gia cộng đồng; (7) Tạo sự bận rộn; (8) Giúp đỡ người khác; (9) Nuôi thú cưng; (10) Thay đổi địa điểm quen thuộc; (11) Làm sâu sắc các mối quan hệ; (12) Tìm sở thích mới và suy nghĩ tích cực.

Tuy vậy, tình trạng cô đơn của con người cũng không khá hơn gì mấy. Hết cái cô đơn này, cái cô đơn khác lại đến. Những liệu pháp các nhà trị liệu tâm lý đề nghị (như trên) chỉ dừng lại ở việc ức chế cô đơn, an ủi cô đơn và đối kháng cô đơn. Cô đơn có thể tạm thời bị ức chế, nhưng sẽ trở lại mạnh hơn ở một ngày gần. Tạo sao? Vì cô đơn có nguồn gốc từ nhận thức sai lầm về ‘tôi’ và ‘của tôi’. Chỉ có hiểu đúng về ‘tôi’ và ‘của tôi’, mới có giải pháp cho cô đơn thực sự.

c. Ngồi yên xuống

Làm thế nào để hiểu đúng về ‘tôi’ và ‘của tôi’? Ngồi yên xuống, tĩnh lặng nội tâm và trở về với hơi thở có ý thức trong giây phút hiện tại. Sự sống thật sự chỉ có mặt ở hiện tại. Tôi hay của tôi cũng chỉ có mặt ở hiện tại. An trú trong hiện tại với hơi thở có ý thức, không tham dự vào tất cả cảm xúc, không định nghĩa con người chính mình. Cái gì đến cái gì đi, ghi nhận. Cái gì sinh cái gì diệt, ghi nhận. Đơn thuần ghi nhận, thuần khiết ghi nhận.

Sự tĩnh lặng sâu xa nhất sẽ đến trong trạng thái tâm thức thuần khiết nhất. Cái tôi đích thực và cái của tôi đích thực sẽ hiển lộ ngay lúc tâm tĩnh lặng sâu xa và thuần khiết nhất đó. Cô đơn sẽ không còn chỗ đứng, niềm hỷ lạc vô tận sẽ tràn ngập thân tâm. Thế giới và chính mình biểu hiện như chính nó, trọn vẹn, ngay giây phút này, đầy tự do.

d. Chánh niệm hơi thở

Để ngồi yên, tĩnh lặng nội tâm và trở về được với giây phút hiện tại, Đức Phật đã hiến tặng một phương pháp có tên là Chánh niệm hơi thở (Anapanasati). Phương pháp này được các thiền sư lưu giữ qua nhiều thế hệ và hiện tại đang được thực hành rộng rãi không chỉ trong thiền viện mà còn trong trường học, tâm lý trị liệu, y học phụ trợ Đông cũng như Tây. Cách thực hành ngồi yên chánh niệm hơi thở để tĩnh lặng tâm tư, trở về với giây phút hiện tại (đặt biệt khi cảm thấy cô đơn) như sau:

1. Ngồi thẳng lưng trong tư thế hoa sen (kiết già hay bán già), mũi và rốn thẳng hàng, đầu không cúi cũng không ngước, mắt nhắm nhẹ (cũng có thể ngồi thẳng lưng trên ghế), buông thư toàn bộ cơ bắp và không để lại một dấu hiệu gắng gượng nào trên thân cũng như tâm.

2. Hít vào một hơi thật dài, cảm nhận sự thoải mái, thư giản. Thở ra một hơi thật dài, cảm giác buông bỏ tất cả các gánh nặng thân cũng như tâm. Hít, thở dài và cảm nhận như trên ba hơi, sau đó để hơi thở vào và ra bình thường, không ép hơi thở dài hay ngắn. Hơi thở thế nào, tâm ghi nhận thế đó. Tâm tập trung vào hơi thở, biết hơi thở ra vào. Không phản ứng hay phán xét bất cứ một tâm niệm nào đến và đi trong khi tập trung vào hơi thở. Để hơi thở tự nhiên và cũng để tâm tư tự nhiên. Việc cần làm là chú tâm vào hơi thở, thư giản, cảm nhận sự sống, trực diện thực tại, thưởng thức nội tĩnh.

3. Cứ như thế, yên lặng, thở và cảm nhận rung động sống của thân và tâm. Quá khứ hay tương lai quên hết. Ngồi yên, thở, thư giản, thưởng thức nội tĩnh và an trú hiện tại. Không có gì quan trọng hơn bây giờ và tại đây. Bất cứ cái gì xảy ra trong tâm (những tâm niệm, hình ảnh hay tiếng ồn nội tại), chỉ cần biết nó và quên nó. Những tiếng động bên ngoài cũng không quan tâm luôn. Biết có tiếng động và đơn giản là không lưu tâm tiếng động đó.

4. Cứ như thế, là một với hơi thở. Ngồi yên, chánh niệm hơi thở cho đến lúc có tâm niệm muốn dừng. Cũng có thể thiết lập một khoảng thời gian nào đó tuỳ vào điều kiện bản thân (30 phút được khuyến khích). Ngồi yên như ngồi chơi vậy, không có lo toan, trách hờn, van xin hay tự thán gì hết. Cũng không nghĩ mình cô đơn. Chỉ ngồi yên, cho mình là mình và tôn trọng sự đa dạng của thế giới sống. Không ai có trách nhiệm gì ở đây cả. Mình chỉ là ngồi yên và chơi thật sự với chính mình. Tâm tĩnh lặng, không mong cầu và cởi mở thật sự.

5. Sau ngồi yên, có thể bước đi trong chánh niệm (ý thức và cảm nhận sự sống trên mỗi bước chân). Thời gian bước đi bao lâu tuỳ điều kiện bản thân. Bước đi và ngồi yên có thể xen kẻ nhau, để thời gian an trú hiện tại và chánh niệm hơi thở lâu dài hơn nếu muốn. Sau ngồi yên, cũng có thể ngồi vào một nơi mình thích, lấy bút và giấy ra để tự hỏi về cô đơn và ghi xuống những hiểu biết đích thực.

Ví dụ hỏi: Tại sao tôi cô đơn? Ai quyết định tôi cô đơn? Tôi cảm nhận thế nào về cô đơn? Cái gì là quan trọng đối với tôi? Tôi thật sự biết gì về những gì tôi nghĩ mình biết? Cái gì là của tôi? Con người thực sự có những gì trong kiếp sống? Tôi tồn tại cho ai và ai tồn tại cho tôi? Hạnh phúc của tôi có phải do người khác chịu trách nhiệm? Từng câu hỏi một, tự hỏi, tự trả lời và ghi lại trên giấy. Hỏi và tự trả lời sẽ giúp cho nhận thức bừng sáng.

Khi ngồi được yên, bước đi được chánh niệm, kết hợp với nhận thức bừng sáng về cô đơn, cái tôi và cái của tôi, tình trạng cô đơn không chỉ được giải quyết mà cánh cửa minh triết và tự do còn mở rộng trong suốt đời sống của mình.

e. Biết thêm sự thật

Mỗi một chúng sinh sinh ra không tình cờ, cũng không phải thiên định. Có một sức mạnh được Phật Gotama gọi là Karma (nghiệp) chi phối, nhưng sức mạnh này không cố định mà chuyển biến theo thời gian thực. Ngài từng nói với thanh niên Subha: “Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”[1]. Điều này có nghĩa hạnh phúc hay khổ đau của mình, bao gồm cô đơn, không phải do ai quyết định ngoài chính mình.

Chính nghiệp thiện và không thiện của mình, nói gần hơn là chính lời nói, hành động và ý niệm của mình, tạo nên số phận mình. Mọi oán trách khi gặp khó hay mọi kiêu ngạo khi hanh thông đều không đem lại một tốt đẹp nào mà còn có hiệu quả tiêu cực. Khổ thêm khổ nếu oán trách; nghiệp thêm nghiệp nếu kiêu ngạo.

Trong thế giới sống của một con người bình thường, hành vi thiện và bất thiện đang xen. Vì thế, có thể thấy khổ đau và hạnh phúc hay may mắn và bất hạnh cũng đang xen có mặt trong cuộc đời một con người. Thời điểm kết quả của thiện nghiệp đến, hạnh phúc và may mắn đến. Thời điểm kết quả của ác nghiệp đến, bất hạnh và khổ đau đến. Không có ai, cũng không có quyền lực siêu nhiên nào mang khổ đau và hạnh phúc đến cả. Tất cả là nhân quả. Nhân quả của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Một con người sáng suốt là một con người biết cho mình tĩnh lặng để nhìn mình, nhìn hành vi của mình, nhìn nhân duyên, phúc đức và nghiệp báo của mình. Nhìn để thấu hiểu nghiệp lực và nhân quả trong kiếp sống. Từ đó, không oán trách, dám chịu trách nhiệm và quyết tâm làm mới tự thân, xây dựng thiện nghiệp cho mình.

Đức Phật cho biết: Được thân người là khó, gặp Phật pháp là khó[2] (人身難得,佛法難聞 - Hard is the attaining of birth as a man, Hard is the hearing of the Dhamma). Cho dù trong hoàn cảnh nào, đừng tuyệt vọng. Làm người là một cơ hội lớn để làm mới số phận và làm đẹp tương lai chính mình. Nghèo hay giàu, đẹp hay không đẹp, đều có thể làm mới số phận và làm đẹp tương lai được.

Theo lời Phật, có năm công đức có thể làm chúng sanh khả lạc, khả ý, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc: Từ bỏ sát sinh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ dối gạt, không xâm hại đức hạnh người khác, từ bỏ say sưa nghiện ngập[3].

Ngoài ra, Đức Phật còn chia sẻ con đường Trung đạo (Bát Chánh Đạo)[4] đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ và niết bàn cho những ai muốn đi. Mong tất cả đừng vì những cô đơn, khó khăn nào đó mà không biết thương mình, xem nhẹ cơ duyên còn được sống. Tất cả đều có thể. Hãy bắt đầu từ hôm nay!

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/cho-du-hoan-canh-nao-dung-tuyet-vong-d91266.html
...