Con đi tới những nơi ba má chưa từng tới…
Không phải bằng những bước chân riêng, mà bằng một đôi chân dài từ ký ức, mọc ra từ những năm tháng chưa từng biết gió tuyết là gì.
Con đi, mà nghe gót giày mình dẫm lên tiếng rao khuya ở chợ huyện, mùi khói rơm trong bếp lửa má nấu cơm chiều, tiếng ba ho khan trong đêm mưa dột mái. Đi, như thể mang theo cả một xóm quê chui lọt vô lồng ngực, thở bằng phổi con, sống bằng máu con.

Người ta hay nói kẻ ra đi là kẻ quên. Nhưng không. Có người đi vì họ nhớ quá nhiều.
Có những đoạn đường con đi, đất dưới chân không phải đất, mà là lòng bàn tay của má thuở bồng con qua cầu khỉ. Trời trên đầu không phải trời, mà là tiếng ru mấy mùa trăng trước mùa con nước lên. Cây cối hai bên đường không hẳn là cây, mà là hình hài ba trong ký ức – cao, gầy, trầm mặc như một cây dừa giữa ruộng mặn. Những nơi con đặt chân tới, dù xa cỡ nào, cũng không đủ sức tách con ra khỏi quê nhà. Con đem theo ba má – không phải trong tim, cái chỗ người ta hay nói cho hay ho – mà mang trong da con, thịt con, từng đoạn ADN run rẩy vì nhớ.
Ở một góc chợ Tbilisi, con ngửi thấy mùi nắng quê mình lẩn quất trong miếng bánh mì của người bán rong. Ở một thung lũng đầy nhóc anh đào nở, con nghe được tiếng má kêu về ăn cơm từ tận trong gió. Lạ vậy. Cái thứ mình tưởng đã bỏ lại sau lưng, hóa ra vẫn bám vô xương sống, sống như giấc mơ lặp đi lặp lại. Ba má chưa từng đặt chân tới nơi này, nhưng họ vẫn có mặt – như ánh trăng soi trên nền đá vôi, không phải là thứ có thể với tới, nhưng vẫn sáng trưng trên mái đầu con.
Con không biết mình đi tìm cái gì. Một ngọn núi. Một dòng sông. Hay một tiếng hò từ bên kia thời gian. Có khi, con đi chỉ để biết rằng những gì ba má chưa từng thấy, con thấy được. Và rồi, khi kể lại, ánh mắt ba sẽ sáng lên, giọng má sẽ dạ dày ra niềm vui. Con không sống thay ba má, mà sống nối dài – như cọng chỉ kéo qua lỗ kim, mỗi mũi khâu là một bước đi, một ký ức, một tiếp nối, thưa ba má - con là sự tiếp nối của ba má.
Chưa ai nói, nhưng con tin rằng có một thứ di truyền không nằm trong máu, mà nằm trong khát khao. Má chưa từng rời khỏi quê, mà ánh mắt má nhìn mấy con cò bay xa, đủ cho con hiểu: má có một trời xa trong lòng. Ba chưa từng bước khỏi đất mình, nhưng mỗi lần ba đọc báo, con thấy ba lặng người trước những tin tức, như thể muốn chui vào từng dòng chữ nhỏ xíu đó mà đi cho bằng hết. Chính vì vậy, khi con đi, con không phản bội ai. Con thầm nghĩ rằng con chỉ hoàn tất giấc mơ chưa kịp mộng thành của người đã sinh ra con.
Một ngày nào đó, con sẽ ngồi dưới bóng cây lạ bên xứ người, và kể về ba má với một ai đó không biết gì về con. Con sẽ kể bằng những lời giản dị, như chính má từng kể chuyện máy bay ngày xưa lướt trên sông Bé, như ba kể chuyện Hậu giang đổi dòng. Và nếu người đó hỏi sao con nhớ kỹ vậy, con sẽ nói: vì tui không nhớ, tui chỉ sống lại trong ba má tui.
Người ta hay nói kẻ ra đi là kẻ quên. Nhưng không. Có người đi vì họ nhớ quá nhiều. Nhớ tới nỗi không thể ở yên. Nhớ tới mức phải đem tất thảy đi theo, cả những tiếng gà gáy sớm lạc trong sương, cả mùi áo ba khi đi mần về còn vương rơm rạ, cả tiếng má rầy con khi ăn cơm còn rơi rớt đổ tháo.
Con đi tới những nơi ba má chưa từng tới. Và ba má cũng đi theo con, bằng một nghĩa rất thật, một thứ hiện diện không cần chứng minh…