Chị dâu “tái mặt” bởi câu nói của chồng tôi
Nghe thấy chị dâu tính toán kỹ càng về chuyện tiêu Tết, chồng tôi bất ngờ nói tiền thưởng của chúng tôi được 50 triệu và dùng hết cho mấy ngày Tết...
Giống như vợ chồng anh cả, chúng tôi sau khi cưới cũng được bố mẹ cắt cho mảnh đất bên cạnh xây nhà. Ông bà không muốn con cái phải sống chung cùng, ở riêng cho thoải mái.
Do trước khi cưới, tôi và chồng đều tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Sau khi xây nhà xong, ngôi nhà của chúng tôi nhìn đẹp và phong cách hiện đại hơn của vợ chồng anh trai ở ngay bên cạnh.
Ảnh minh hoạ
Vợ chồng anh trai theo xu hướng tiết kiệm, làm được bao nhiêu tiền chỉ muốn mua vàng tích lũy. Còn chúng tôi lại thích trang trí nhà cửa đẹp, thế nên đồ nội thất bên trong khá đắt tiền, quanh nhà trồng nhiều cây cảnh có giá trị.
Dù đang còn nợ nần cả 100 triệu tiền làm nhà nhưng chồng tôi vẫn quyết tâm vào hội và mua ô tô trả góp. Tôi khuyên can thì anh đáp ngay:
“Đời người sống có một lần, làm ra tiền phải biết hưởng thụ mới có động lực tiếp tục kiếm tiền. Cứ ki bo tiết kiệm rồi chết có mang tiền đi được đâu”.
Với suy nghĩ đó, chồng cứ mạnh tay chi tiêu dù không được vợ ủng hộ.
Ngày hôm kia, chị dâu qua nhà tôi chơi và khoe năm nay chị được thưởng 40 triệu. Với số tiền đó chị nhẩm tính sẽ mua được 4 chỉ vàng, tiền còn dư sẽ để sắm sửa Tết. Chị bảo khó khăn lắm mới kiếm được tiền, chị không muốn lãng phí quá nhiều vào mấy ngày Tết.
Chị dự định biếu bố mẹ nội ngoại mỗi bên 1 triệu, mua cho chồng con mỗi người một bộ quần áo mới, mua cân giò, con gà và vài hộp bánh là đủ. Chị nói mấy ngày Tết chủ yếu là ăn bên nội, ngoại và nhà anh em, ăn ở nhà ít nên không cần mua thực phẩm dự trữ làm gì cho mất ngon.
Nghe thấy chị dâu tính toán kỹ càng thế, chồng tôi bất ngờ nói tiền thưởng của chúng tôi được 50 triệu và dùng hết cho mấy ngày Tết. Anh khuyến khích vợ con đi làm đẹp và mua sắm. Bọn trẻ thích ăn gì thì tôi cứ mua, không phải tiết kiệm gì hết.
Anh nói là năm nay sẽ biếu ông bà nội ngoại mỗi người 10 triệu. Bố mẹ vất vả nuôi chúng tôi ăn học thành người tử tế, bây giờ kiếm được tiền rồi phải báo đáp lại, không thể hà tiện được. Với lại ông bà già rồi, sống cũng chẳng được mấy năm nữa, chúng tôi cần báo hiếu lúc họ còn sống. Khi chết rồi mâm cao cỗ đầy, đốt nhà lầu xe hơi giấy cũng chẳng thể nhận được.
Những lời chồng nói làm chị dâu ngượng tái mặt, sau đó lặng lẽ ra về. Đến khi chị ấy ra về thì tôi hỏi tiền thưởng của chồng đâu đưa cho vợ chi tiêu Tết. Anh bảo chỉ nói thế để chị dâu hào phóng hơn với bố mẹ chồng, chứ thực tình anh cũng chưa biết năm nay thưởng được bao nhiêu. Tôi thật sự bất lực với câu nói của chồng.