Bạn có đang giới hạn mình trong tình cảm?
Cảm xúc là sự sống. Thế giới sống thật ra là thế giới cảm xúc. Tình cảm chính là cảm xúc đã tiến hoá. Kết nối hạnh phúc luôn là kết nối có tình cảm.

Người tỉnh thức là người không có giới hạn mình trong tình cảm. Tình cảm của họ là tình cảm thênh thang với đầy đủ bốn yếu tố: Hiểu biết, thương yêu, chia sẻ và quên mình.
Giữa con người với con người, tình cảm giúp làm tươi đẹp đời sống. Tình cảm làm cho hiện hữu sống có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu tình cảm bị đóng khung trong sở hữu riêng, bị thao túng trong ý muốn hẹp, tình cảm đó sẽ trở thành ngục tù. Kết quả khổ đau cho mình, người hay cả hai là không thể tránh khỏi, khi tình cảm bị thao túng và sở hữu trong những cõi riêng.
Khi một người yêu thích (ái) một cái gì đó có kèm theo tình cảm, người ấy có thể rất hạnh phúc. Khổ chỉ có mặt khi người ấy muốn cái mình yêu thích mãi ở trong cõi riêng của mình. Tâm tham sở hữu và ý muốn thao túng không cho tình cảm biến thiên như chính nó. Không biến thiên đồng nghĩa với không có sự sống. Tình cảm không biến thiên như chính nó (theo duyên) sẽ chỉ là tình cảm mang nội dung sợ hãi, sân hận và buồn đau.
Người tỉnh thức là người không có giới hạn mình trong tình cảm. Tình cảm của họ là tình cảm thênh thang với đầy đủ bốn yếu tố: Hiểu biết, thương yêu, chia sẻ và quên mình. Đặc biệt, trong tương tác và kết nối sống, tình cảm có thể được nhìn thấy, nhưng không bao giờ có thể bị giới hạn trong ngã ái, ngã mạn, ngã thủ và ngã si.
Đức Phật Gotama, sau khi thành tựu giác ngộ, đã thuyết pháp cho người có duyên suốt 45 năm bằng tình cảm thênh thang không giới hạn trong ngã ái, ngã mạn, ngã thủ và ngã si này. Ngài thuyết pháp đơn giản là thấy cần thuyết pháp trong những điều kiện nhân duyên cần thuyết pháp[1]. Mục đích thuyết pháp không gì hơn là hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số. Định vị hay giới hạn không bao giờ có trong thênh thang tình cảm (bi mẫn) của Đức Thế Tôn.
Khi một người yêu thích (ái) một cái gì đó có kèm theo tình cảm, người ấy có thể rất hạnh phúc. Khổ chỉ có mặt khi người ấy muốn cái mình yêu thích mãi ở trong cõi riêng của mình.
Thích Nhuận Đạt
Trong thời đại nhiều lo âu và dễ sang chấn tâm lý như ngày nay, tình cảm là dược phẩm tinh thần.
Lòng bi mẫn hay tình cảm thênh thang sẽ giúp chữa lành nỗi đau của không chỉ con người mà còn muôn hiện hữu khác.
Tôn giáo của thời đại nên là lòng bi mẫn.[2] Có điều, lòng bi mẫn phải là lòng bi mẫn trong hiểu biết, thương yêu, chia sẻ và quên mình. Không có ngoại lệ cho một tình cảm nào có thể chữa lành tâm hồn ngoài tình cảm thênh thang không có ngã ái, ngã mạn, ngã si và ngã thủ. Nếu còn một cõi riêng, một sở hữu tình cảm hay một thao túng tình cảm nào đó, hiệu quả chữa lành của tình cảm là không thể.
Ngược lại, tình cảm (có ngã) đó sẽ trói buộc, làm khổ và gây đoạ cho người mang nó, dù ở đâu và trong hình thức sống nào. Tình, thật sự trong cõi tình, nếu không có cùng lúc đầy đủ bốn yếu tố (1) hiểu biết, (2) thương yêu, (3) chia sẻ và (4) quên mình, khổ là điều chắc chắn không chỉ riêng ai.