TIÊU DÙNG

USD tăng cao kỷ lục, gửi tiết kiệm VND liệu còn có lợi?

11/08/2018 - 13:27

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang đã đẩy USD tăng cao và điều này khiến nhiều người lo ngại VND ngày càng mất giá, gửi tiết kiệm VND sẽ không có lãi. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, NHNN với quan điểm điều hành tỷ giá ổn định để ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô thì việc giữ VND vẫn có lợi hơn USD.
    

Đêm qua, chỉ số USD Index đăng mạnh lên tới 95,49 điểm, có thời điểm ở mức 5,85 điểm cao nhất trong 1 năm trở lại đây

Tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và động thái tăng lãi suất của FED trước đó đã khiến đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Tính tới sáng 10.8, chỉ số USD trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm ở mức 95,85 điểm, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Tỷ giá trung tâm VND/USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 9.8 công bố ở mức 22.676 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày 9.8 và ở mức cao nhất kể từ khi tỷ giá trung tâm ra đời. Còn theo tính toán của các chuyên gia, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã tăng 2%. Những yếu tố kể trên đã và đang tạo áp lực lên chính sách giữ lãi suất huy động 0% đối với USD và chính sách chống đô-la hoá tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc tỷ giá USD/VND tăng cao đồng thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và kỳ vọng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân có động tác găm giữ USD để chờ giá lên. Một bộ phận chọn bán USD để gửi VND nhằm thu được mức lợi suất cao hơn.

Câu hỏi đặt ra với nhiều nhà đầu tư lúc này là: “Gửi tiết kiệm VND có còn đủ hấp dẫn?”.

Gian nan chống đô la hóa nền kinh tế

Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết ở các quốc gia có tình trạng đô la hóa cao, đất nước luôn có 2 Ngân hàng Trung ương, trong hệ thống tổ chức tín dụng song song tồn tại 2 đồng tiền. Ở đó, có một đồng tiền không phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương.

Việt Nam đã trải qua “cuộc chiến” khốc liệt, nhằm giảm dần hệ số đô la hóa của nền kinh tế. Tổng số dư tiền gửi USD trên tổng số dư tiền gửi của toàn nền kinh tế chiếm khoảng 25%, trải qua 10 năm, con số này còn khoảng 8%.

 
Sẽ chuyển đổi quan hệ vay-gửi ngoại tệ thành quan hệ mua-bán ngoại tệ

Ông Quang nói: “Bản thân IMF cũng khuyến nghị tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD, giảm dần hiện tượng đô la hóa. Ở đây, chúng ta phải giảm dần thói quen, hành vi giao dịch bằng đồng USD thông qua các công cụ khác nhau.

Và việc đầu tiên cần làm đó lãi suất huy động. NHNN áp dụng trần lãi suất huy động 0% với USD, trong khi cố gắng nâng mặt bằng lãi suất VND lên, để chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đủ hấp dẫn khiến người dân thấy nắm giữ tiền đồng hấp dẫn hơn. Vì chúng ta làm được điều này, tỷ lệ huy động ngoại tệ từ 25% mới giảm xuống 8%", ông Quang cho biết.

Ngoài ra, Thông tư 24 của NHNN ra đời, siết chặt nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp. Tới nay, chỉ có 5 đối tượng có nhu cầu được vay ngoại tệ. Sắp tới, đối tượng được vay ngoại tệ sẽ tiếp tục giảm. Chuyển đổi quan hệ vay-gửi ngoại tệ thành quan hệ mua-bán ngoại tệ.

"Trước đây, ai cũng có quyền vay ngoại tệ khiến doanh nghiệp tìm kiếm đồng tiền có nhiều cơ hội hưởng chênh lệch kinh doanh hơn để vay, đương nhiên nếu vậy tất cả sẽ vay USD dẫn tới mất kiểm soát.

Với những biện pháp như vậy cùng với việc giữ lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND ở mức hợp lý (hiện bình quân 5 - 8%/năm tùy theo kỳ hạn) và việc cam kết giữ lạm phát năm nay tăng không quá 4% của Chính phủ, rõ ràng việc gửi tiết kiệm VND vẫn có lãi", ông Quang phân tích.

Nắm giữ VND sẽ có lợi

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cũng nhận định USD có thể sẽ tăng nhưng so với VND sẽ không tăng mạnh. Trong thời gian qua, nguyên nhân chính khiến USD leo dốc là kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất sau 30 năm, kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất. Cùng với đó, động thái tăng lãi suất của FED dự kiến sẽ diễn ra lần thứ 3 trong năm 2018 vào tháng 9 tới càng làm cho đồng tiền này trở nên mạnh hơn.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng với nguồn dự trữ ngoại hối lên tới hơn 60 tỉ USD, NHNN đang có trong tay nguồn lực khá lớn có thể sẵn sàng bán ra can thiệp để ổn định cung cầu USD trên thị trường

 
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Thành dự báo, VND sẽ xuống giá so với USD, nhưng mức độ xuống giá sẽ thấp hơn đáng kể so với việc đồng NDT xuống giá so với USD.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trên thị trường tự do, VND mất giá 2% so với USD, tỷ giá trung tâm điều chỉnh là 1%. Trong quan điểm về chính sách lãi suất tiền gửi và điều hành, một yếu tố quan trọng về mặt kỳ vọng là tạo lãi suất tiền gửi dương, ít nhất không âm. Điều này tạo niềm tin cho người gửi tiền nội tệ trong hệ thống ngân hàng, đồng thời bảo đảm hệ thống tài chính phát triển theo chiều sâu.

“Nếu lãi suất tiền gửi âm sẽ có lợi cho tổ chức tín dụng, nhưng về dài hạn sẽ làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền. Kỳ vọng lạm phát hiện nay là 4%, ngân hàng phải bảo đảm lãi suất tiền gửi của mình, ngay cả với kỳ hạn 1 năm phải trên mức đó”, ông Thành nói.

Trả lãi gửi tiết kiệm USD là sai lầm

Trong khi đó, GS. Andreas Hauskrecht - Đại học Indiana Hoa Kỳ, Thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam cũng cho rằng: “Tỷ giá không phải là điều đáng lo ngại đối với Việt Nam”.

Ông nhận định chưa có dấu hiệu nào cho thấy dòng vốn nước ngoài (FII và FDI) rút khỏi Việt Nam khi thị trường vẫn còn đang hấp dẫn cho dù rủi ro quốc gia có tăng lên. Khi dòng vốn chảy vào Việt nam, NHNN sẽ phải tiếp tục can thiệp bằng cách mua vào ngoại tệ để ngăn cản sự tăng giá của VND. Đồng thời, ông cho rằng với quy mô dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hiện nay, NHNN hoàn toàn có đủ công cụ, tiềm năng để kiểm soát giá trị đồng nội tệ.

 
GS. Andreas Hauskrecht - Đại học Indiana Hoa Kỳ, Thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam


Ngoài ra, ông Andreas Hauskrecht ủng hộ việc tiếp tục áp lãi suất 0% đối với huy động USD.

“Nếu trả lãi cho việc gửi tiết kiệm USD thì sẽ là sai lầm về mặt kinh tế và làm suy giảm chức năng lưu giữ giá trị của VNĐ. Tại Mỹ, Euro, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy, người dân không thể gửi tiết kiệm bằng một đồng tiền khác đồng bản tệ. Do đó, không có lý do gì để Việt Nam có thể trả lãi cho USD”, ông Andreas Hauskrecht  nói.

Ngoài ra, việc không huy động USD cũng nên đi kèm với việc không cho vay USD. Thay vào đó là xây dựng thị trường mua, bán USD có tính thanh khoản. Cùng với đó, cần có chiến lược nâng cao sự linh hoạt về tỷ giá, sử dụng một mức lạm phát đáng tin cậy để neo tỷ giá. Đồng thời, chuyển sang cơ chế lạm phát mục tiêu.

Xung quanh vấn đề lãi suất huy động với USD sẽ được tiếp tục duy trì ở mức 0%, trong khi lãi suất cho vay USD khá cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu than phiền là bất hợp lý. Ông Phạm Chí Quang,Vụ Phó Vụ chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết, với mỗi đồng ngoại tệ huy động được, khi cho vay, NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ 0,7%, chi phí nhân viên chiếm tỷ lệ khoảng 1,5%.

Ngoài ra, do hầu hết tiền gửi USD hiện nay là tiền gửi không kỳ hạn, trong khi ngân hàng chủ yếu cho vay có kỳ hạn nên rủi ro thanh khoản là rất lớn, ngân hàng phải trích thêm 0,8% chi phí dự phòng rủi ro thanh khoản.  

Trong bối cảnh NHNN thực hiện chiến lược chống đô la hóa nền kinh tế, phẩn rủi ro về huy động của các tổ chức tín dụng đều lớn, việc huy động ngoại tệ sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng vẫn phải “nuôi” khoản ngoại tệ đã cho vay. Như vậy rủi ro rất lớn, phải bù đắp bằng lãi suất cho vay.  

Theo Dân Việt
Nguồn:
...