TIÊU DÙNG

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, tỏi đều giảm, trong khi giá heo, dưa hấu tăng mạnh

19/04/2020 - 07:48

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng dầu, tỏi đều giảm, trong khi giá heo và dưa hấu tăng mạnh.

Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, tỏi, cá hồi đều giảm, trong khi giá heo và dưa hấu tăng mạnh. 

Giá vàng giảm nhẹ

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.683 USD/oz, giảm hơn 32 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Giá vàng giảm nhẹ.

Giá vàng giảm nhẹ.

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. Đầu tuần mở cửa, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.684,5 USD/oz. 3 phiên đầu tuần, giá vàng thế giới tăng mạnh do tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 căng thẳng ở Mỹ và một số nước châu Âu. Đặc biệt, các nước dầu mỏ OPEC+ dự kiến cắt giảm sản lượng dầu. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và kinh tế châu Á có thể không tăng trưởng trong năm nay.

Giá vàng đã có lúc bật tăng mạnh lên mốc 1.725 USD/oz. Tuy nhiên, 3 phiên cuối tuần giá vàng lại giảm mạnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở một số quốc gia đã được kiểm soát tốt hơn so với đầu tuần. Việt nam cũng có hơn 2 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Một số quốc gia như Đức đang tìm biện pháp giảm cách ly xã hội toàn quốc, còn Mỹ tiến tới sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cách ly xã ở một số bang. Đây là những tín hiệu tốt cho các nền kinh tế vực dậy sau đại dịch. Nhiều nhà đầu tư, người dân đã đẩy mạnh bán ra nhằm chốt lời giá cao.

Nhìn chung, giá vàng thế giới trong tuần đã điều chỉnh các bước giá khá rộng, có những phiên lên trên 30 USD/oz. Chốt tuần, giá vàng thế giới gần như trở lại vạch xuất phát khi mở cửa tuần, chỉ giảm nhẹ khoảng 1 USD/oz so với giá khởi điểm đầu tuần.

Tuần qua, giá vàng miếng có 2 phiên không đi theo xu hướng thế. Phiên ngày 14/4, khi thị trường quốc tế vọt tăng, nhưng vàng trong nước điều chỉnh không nhiều, do đó giá vàng SJC đã bằng hoặc thấp hơn chút ít so với giá vàng thế giới quy đổi.

Theo một số phân tích, giá vàng thế giới tuần qua đã có lúc lên mức đỉnh của 7 năm. Nhiều người dân và nhà đầu tư đã đổ xô đi bán vàng nhằm thu lợi nhuận cao, do đó giá vàng thế giới xuống thấp đột ngột cũng dễ hiểu. Thêm nữa, thị trường quốc tế khi các nước dỡ bỏ một phần hạn chế giãn cách xã hội, một số nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động, do vậy những người trước kia nắm giữ vàng để bảo toàn vốn đã nhanh chóng chốt lời để chuyển vốn sang đầu tư lĩnh vực khác sinh lời hoặc chuyển sang kinh doanh, sản xuất.

Giá vàng trong nước điều chỉnh chậm so với xu hướng thế giới là do tuần qua các DN vẫn hoạt động kinh doanh online là chính do giãn cách xã hội. Hơn nữa, chính sách quản lý giá vàng chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nên cũng hạn chế việc biến động mạnh của giá vàng trong nước.

Giá xăng tiếp tục giảm còn 11.343 đồng/lít

Theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng RON 92 - xăng nền để pha chế xăng E5- trung bình 14 ngày qua 24 USD/thùng, giảm tới 24,6 USD/thùng so với mức giá trung bình tại kỳ điều hành gần nhất.

Xăng RON 95 có mức giá trung bình gần 25 USD/thùng, giảm tới trên 25 USD/thùng so với kỳ tính giá ngày 15/3 (xăng RON 95 khi đó là 50,3 USD/thùng).

Giá xăng tiếp tục giảm còn 11.343 đồng/lít.

Giá xăng tiếp tục giảm còn 11.343 đồng/lít.

Trước những diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây và thực hiện điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95 1.400 đồng và dầu diesel trích lập ở mức 1.400 đồng/lít; dầu hỏa trích lập ở mức 1.400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 200 đồng/lít.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: giảm 613 đồng/lít; Xăng RON95-III: giảm 621 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 436 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 502 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 126 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 11.343 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 11.939 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 10.823 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 8.639 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.327 đồng/kg.

Thời gian thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu cũng như điều chỉnh giá được áp dụng từ 15 giờ 00 ngày (13/4).

Giá tỏi Lý Sơn giảm mạnh

Chưa có năm nào nông dân huyện đảo Lý Sơn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tỏi khô như năm nay. Bà Lâm Thị Nhiên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, thời điểm này năm trước hơn 2 tấn tỏi khô của gia đình bà bán hết cho khách du lịch, nhưng năm nay mới bán được 5 tạ tỏi khô, giá cả lại thấp phân nửa so với 2 tháng trước đây.

“Năm rồi có khách du lịch nhiều nên gia đình tôi bán lượng tỏi tháng 5, tháng 6 là hết rồi, năm nay dịch nên giá tỏi thấp và tiêu thụ chậm. Giờ giá tỏi ở chợ chỉ có 60.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái rất nhiều”, bà Nhiên nói.

Giá tỏi Lý Sơn giảm mạnh.

Giá tỏi Lý Sơn giảm mạnh.

Sau khi tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng đón khách du lịch ra đảo nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19 thì việc tiêu thụ tỏi Lý Sơn ở thị trường nội địa cũng giảm sút. Cách đây một tuần, giá tỏi Lý Sơn còn 40.000- 50.000 đồng/kg. Khó khăn trong khâu tiêu thụ, nên các cơ sở thu mua, sơ chế tỏi Lý Sơn cũng tạm dừng mua tỏi của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ cơ sở Thu Ba ở huyện Lý Sơn cho hay, mỗi năm cơ sở của bà mua khoảng 10 tấn tỏi khô của bà con nông dân trên đảo để sơ chế tỏi đen, rượu tỏi và tiêu thụ sản phẩm tỏi thô trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, bà Thu vừa mua được 6 tấn tỏi thì dịch bệnh bùng phát nên phải tạm dừng nhập tỏi thô, việc kinh doanh cũng tạm dừng.

“Bây giờ tỏi của nông dân không thu mua được nữa, vì không có đầu ra. Khi nào có đầu ra được thì tôi sẽ thu vào. Lượng tỏi thu vào cũng không được nhiều, nguồn tỏi bán ra cũng không có được, giảm 60-70% so với hàng năm”, bà Thu cho biết thêm.

Cá hồi rớt giá thê thảm

Những ngày gần đây, cá hồi Sapa xuất hiện tràn ngập trên “chợ mạng” với giá tương đối rẻ. Đơn cử, cá hồi Sapa nguyên con trọng lượng từ 1,5-2,7kg giá dao động từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá hồi cắt khúc (không đầu, đuôi) giá 280.000 đồng/kg, cá hồi phi lê giá 350.000 đồng/kg,...

Cá hồi rớt giá thê thảm.

Cá hồi rớt giá thê thảm.

Theo người bán cá hồi Sapa online, dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn tạm ngừng hoạt động, đặc biệt hoạt động du lịch trên Sapa “đóng băng” khiến đặc sản cá này rớt giá thê thảm, rẻ chưa từng có.

Chia sẻ trên báo Lào Cai, ông Chảo Duần Mình ở thôn Can Hồ B (Ngũ Chỉ Sơn, Sapa, Lào Cai) cho hay, gia đình ông có 10 bể nuôi cá nước lạnh, nhưng hiện chỉ còn 4 bể có cá với trọng lượng khoảng 1 tấn cá hồi.

Trước đây, cá lớn đến đâu bán hết đến đó, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường gần như “đóng băng”, lượng cá tiêu thụ chỉ bằng 1/3 mọi năm. Ông Mình than thở, sức tiêu thụ chậm, số cá còn lại vẫn phải chi phí tiền cám ăn hàng ngày, trong khi giá cá hồi thương phẩm đã giảm hơn 100.000 đồng/kg so với những năm trước.

“Hiện giá cá hồi chỉ còn 140.000-150.000đồng/kg. Đây là mức giá mà người dân không có lãi, thậm chí là lỗ vốn”, ông nói. Không chỉ ở xã Ngũ Chỉ Sơn, người nuôi cá hồi ở các địa phương khác trong tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn do không bán được cá. Trong khi đó, giá cám thì vẫn cứ đắt, cho ăn ít thì cá lại gầy, thậm chí cá chết.

Tương tự, chị Hoa - một hộ nuôi cá hồi ở Sapa - than thở, gia đình chị có 10 tấn cá hồi đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Nếu chi dè sẻn, mỗi tháng gia đình mất khoảng 220 triệu đồng tiền thức ăn nuôi cá, giờ cá đến lứa bán không biết bán cho ai. Còn nếu để lại, chi phí đội lên cao, có thể mất trắng cả tỷ đồng.

Như giá cá hiện nay, nếu có bán được thì cũng lỗ khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Song, cá hồi giờ còn không có người mua, chị Hoa ngán ngẩm nói.

Giá dưa hấu tăng trở lại

Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai... các loại dưa hấu như dưa thành long, tiểu long, hắc mỹ nhân, dưa hấu đường... được nông dân bán buôn ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, dưa hấu loại trái to và đẹp bán lẻ tại nhiều chợ và điểm bán trái cây trên địa bàn thành phố ở mức 7.000-10.000 đồng/kg. Dù đầu ra xuất khẩu dưa hấu còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng giá dưa hấu đã khởi sắc trở lại nhờ được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Giá dưa hấu tăng trở lại.

Giá dưa hấu tăng trở lại.

Đặc biệt, gần đây trời nắng nóng, nhiều người có nhu cầu mua dưa hấu để ăn và làm các loại nước giải khát. Ngoài ra, giá dưa hấu tăng còn do nông dân đã giảm diện tích trồng dưa hấu và chuyển sang các loại cây trồng khác nhằm đa dạng hóa cây trồng, hạn chế rủi ro trong tình hình đầu ra xuất khẩu dưa hấu có phần gặp khó.

Dưa hấu thường trồng khoảng 80-90 ngày là cho thu hoạch trái. Theo nông dân trồng dưa hấu ở TP Cần Thơ, với giá bán hiện nay và năng suất đạt từ 2-3 tấn trở lên, mỗi công đất trồng dưa hấu nông dân có thể kiếm lời từ 2-7 triệu đồng/vụ. 

Giá heo bất ngờ tăng vọt

Theo ghi nhận, tuần qua, giá heo hơi trên cả nước bất ngờ tăng vọt, đạt đỉnh 93.000 đồng/kg. Cụ thể, tại miền Bắc: Giá heo hôm nay 18/4 tại tỉnh Thái Bình được thu mua với mức 92.000 đồng/kg. Các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang giá heo đang ở mức 90.000 - 91.000 đồng/kg. Còn tại Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai giá heo được thu mua với mức 88.000 đồng/kg.

Giá heo bất ngờ tăng vọt.

Giá heo bất ngờ tăng vọt.

Tại miền Trung - Tây Nguyên: Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận giá heo đang ở mức cao nhất cả nước 93.000 đồng/kg. Lâm Đồng có giá 90.000 đồng/kg. Tại các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh giá heo được thu mua với mức 85.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Ninh Thuận giá heo đang ở mức thấp nhất toàn miền 80.000 đồng/kg.

Tại miền Nam: Cụ thể, tại tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh giá heo được thu mua với mức 85.000 - 87.000 đồng/kg. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vũng Tàu giá heo đang dao động từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Duy Hậu, chủ trại heo Tám Do (Long An), cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục tăng nữa vì nguồn cung thiếu hụt. Lượng heo cung cấp đến các chợ đầu mối đã giảm mạnh vì không có heo để bán. Tổng lượng heo cả nước có thể chỉ còn trên dưới 50%.

Theo ông Hậu, thiếu heo giống, khó khăn tái đàn trở lại cũng khiến nguồn cung heo không thể tăng lại, vì vậy giá heo hơi khó giảm. Vì vậy, giá thịt heo bán lẻ tại các chợ, siêu thị cũng đang ở mức cao ngất ngưởng từ 120.000-250.000 đồng/kg tùy loại thịt.

Theo TIÊU DÙNG
Nguồn: https://tieudung.vn/thi-truong/tieu-dung-trong-tuan:-gia-vang-xang-dau-toi-deu-giam-trong-khi-gia-heo-dua-hau-tang-manh-40783.html
...