Vì sao phụ nữ thường cáu kỉnh khi đến kỳ kinh nguyệt?
Rất nhiều phụ nữ nhận thấy những thay đổi về cảm xúc khi đến kỳ kinh nguyệt. Cảm xúc khó chịu, cáu kỉnh, thậm chí đột ngột giận dữ thường làm chị em và những người xung quanh bối rối...
1. Cảm xúc khó chịu, cáu kỉnh trong kỳ kinh có bất thường không?
Nếu nhận thấy mình có cảm giác khó chịu, buồn bã hoặc cáu kỉnh và trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ không nên lo lắng cho đó là điều bất thường vì trên thực tế, đây là sự thay đổi tâm trạng phổ biến của phụ nữ khi đến chu kỳ này.
Nguyên nhân là trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về hormone, dẫn đến một loạt các triệu chứng khác nhau, thường được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của PMS là cảm xúc thất thường, bao gồm cả cảm giác khó chịu và cáu kỉnh.
Hội chứng tiền kinh nguyệt khiến phụ nữ trở nên khó chịu, cáu kỉnh.
Ngoài khó chịu và cáu kỉnh, PMS còn có thể gây ra các triệu chứng khác như: Đau đầu, đau lưng, đau bụng, mệt mỏi, chướng bụng, đầy hơi, tinh thần khó tập trung, thay đổi khẩu vị, thèm ăn đồ ngọt, khó ngủ…
Mặc dù vẫn còn tranh luận về những nguyên nhân gây ra khó chịu, mệt mỏi do kinh nguyệt hay hội chứng tiền kinh nguyệt nói chung, các chuyên gia tin rằng, tình trạng này xảy ra là do sự thay đổi nội tiết tố. Buồng trứng của phụ nữ sản xuất các hormone estrogen và progesterone. Nồng độ của estrogen tăng lên trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt và giảm trong nửa sau. Đi kèm song song với estrogen cũng là nồng độ serotonin, khi giảm nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh này có thể dẫn đến tâm trạng tiêu cực và giảm mức năng lượng của cơ thể.
Ngoài ra, tình trạng đau bụng kinh dữ dội cũng là nguyên nhân góp phần gây ra tâm trạng tiêu cực ở phụ nữ. Cảm giác đau bụng kinh có thể từ âm ỉ đến dữ dội, không chỉ ảnh hưởng lớn sinh hoạt hằng ngày mà còn khiến họ trở nên cáu kỉnh, dễ nổi nóng hơn bình thường. Đối với một số người, cơn đau đó rất nghiêm trọng và liên quan đến các triệu chứng trầm cảm.
Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà nghiên cứu từ Anh và Trung Quốc phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm có khả năng bị đau bụng kinh cao hơn 51% so với những người không bị trầm cảm. Họ cũng phát hiện ra rằng, tình trạng rối loạn giấc ngủ gia tăng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau bụng kinh. Do đó, giải quyết các vấn đề về giấc ngủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cả hai tình trạng này.
Theo BS. Nguyễn Cảnh Chương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hội chứng tiền kinh nguyệt có đặc điểm là dễ kích thích, lo lắng, không ổn định về tình cảm, trầm cảm, phù, đau bụng, đau ngực và đau đầu… xảy ra trong 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Tập thiền giúp thư giãn và giảm căng thẳng cho phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt.
2. Cách cải thiện tâm trạng và giảm đau trong kỳ kinh nguyệt
Đau bụng kinh và những thay đổi nội tiết tố có thể khiến phụ nữ cảm thấy rất khó chịu và mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến tâm trạng. Các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ nên đi khám bác sĩ nếu chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng quá nhiều đến tâm trạng hoặc bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm. Việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống rất hữu ích.
Phụ nữ có thể giảm những cơn đau khó chịu và cải thiện tâm trạng trong kỳ kinh bằng cách:
Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: Nghỉ ngơi đầy đủ, làm việc nhẹ nhàng và ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và giảm căng thẳng.
Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập như yoga, đi bộ hoặc các động tác kéo giãn giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, nghe nhạc cũng giảm căng thẳng.
Ăn uống lành mạnh: Nên uống nhiều nước để cơ thể loại bỏ độc tố, giảm đầy hơi; Ăn nhiều rau xanh và trái cây cung cấp chất xơ và vitamin giúp giảm viêm; Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh cảm giác đầy bụng và duy trì ổn định lượng đường trong máu tránh cáu kỉnh; Uống trà thảo mộc như trà gừng, trà thì là và trà hoa cúc đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm, làm dịu cơn co thắt cơ… Tuy nhiên cần hạn chế đồ uống có gas, caffeine vì những thực phẩm này có thể làm tăng sự khó chịu.
Chườm ấm: Dùng túi chườm ấm hoặc chai nước nóng ấm áp lên vùng bụng dưới có tác dụng giảm đau. Ngâm mình trong bồn nước ấm với một ít muối hoặc tinh dầu giúp thư giãn và làm dịu cơn đau