SỐNG KHỎE

Dấu hiệu cảnh báo tắc ruột

13/11/2024 - 14:00

Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa phổ biến nếu không được điều trị kịp thời, tắc ruột có thể gây nhiều biến chứng như mất nước do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch, hoại tử đường ruột, thậm chí dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân gây tắc ruột

Tắc ruột có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tắc đường ruột và những nguyên nhân gồm:

  • Ở trẻ em tắc ruột có thể là do giun đũa kết dính lại gây nên tắc đường ruột. Tuy nhiên, tình trạng cũng có thể gặp những người có thói quen ăn sống, uống nước chưa đun sôi,…
  • Tắc ruột còn gặp ở những người cao tuổi do khối bã thức ăn và việc này sẽ thường gặp ở người già, những người đã bị cắt dạ dày, suy tủy hoặc sỏi túi mật.
  • Có thể là do các khối ung thư hình thành ở ruột non và đại tràng hoặc những khối ung thư lành tính của thành ruột non với kích thước lớn nhỏ khác nhau gây nên tắc đường ruột.
 Chẩn đoán và thu thập hình ảnh tắc ruột bằng siêu âm ổ bụng.

 Chẩn đoán và thu thập hình ảnh tắc ruột bằng siêu âm ổ bụng.

  • Đường ruột bị hẹp do viêm nhiễm hoặc lồng ruột cũng gây tắc ruột. Có thể là do dây chằng và dính các quai ruột, chiếm đến 80% do người bệnh đã từng phẫu thuật ổ bụng, phần còn lại sẽ là do đa chấn thương hoặc nhiễm trùng, viêm nhiễm, có thể là do bẩm sinh hình thành.
  • Bị tắc ruột do bị liệt ruột là một trong những nguyên nhân cũng nên lưu ý vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tắc đường ruột. Đây còn được gọi là tắc ruột cơ năng, người bệnh bị liệt ruột sẽ phản xạ trong chấn thương cuộc sống hoặc do bị viêm phúc mạc, dịch thủng dạ dày, thiếu máu cấp và huyết khối tĩnh mạch mạc treo cũng là nguyên nhân làm nên liệt nhu động ở ruột.

Ngoài ra tắc ruột còn có nguyên nhân khác như: do rối loạn chuyển hóa, do sử dụng thuốc. Đối với những bệnh như đái tháo đường, xơ cứng bì, rối loạn chuyển hóa porfirin cũng sẽ gây nên tổn thương ruột và gây tắc đường ruột.

Nhận biết dấu hiệu tắc ruột

Nguyên nhân gây bệnh khác nhau nên mỗi loại sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh bị tắc ruột cơ học và cơ năng vẫn có những biểu hiện giống nhau như:

  • Xuất hiện đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên nhận biết chứng tắc ruột. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, đau dữ dội trong vòng 2- 3 phút, sau đó giảm dần rồi lại tái xuất hiện. Ban đầu, cơn đau chỉ khu trú vùng bị tắc, sau lan tỏa đều toàn bụng.
  • Buồn nôn, nôn: Không phải bệnh nhân bị tắc ruột nào cũng xuất hiện triệu chứng nôn. Nôn thường đi kèm sau cơn đau bụng. Ban đầu, người bệnh nôn thức ăn. Về sau, người bệnh nôn dịch tiêu hóa, dịch mật. Tình trạng tắc ruột càng cao thì biểu hiện nôn càng sớm.
  • Biểu hiện bí trung, đại tiện: Đây là dấu hiệu cảnh báo ruột ngưng trệ, chứng tắc ruột đã trở nên nghiêm trọng. So với các triệu chứng vừa liệt kê bên trên, bí trung đại tiện xảy ra muộn hơn vì trong những giờ đầu, ruột còn phải co bóp để đẩy hơi và phân ở đoạn bị tắc ra, đến khi hết hẳn hơi, các chất trên chỗ tắc không xuống được nữa, người bệnh mới bí trung tiện, đại tiện.
  • Bụng căng chướng: Xuất hiện các biểu hiện chướng nhẹ đến mức độ nặng hơn, chướng lệch phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí tắc. Ở những người gầy, thành bụng mỏng có thể thấy quai ruột nổi lên trên thành bụng.
 Không phải bệnh nhân bị tắc ruột nào cũng xuất hiện triệu chứng nôn.

 Không phải bệnh nhân bị tắc ruột nào cũng xuất hiện triệu chứng nôn.

Chẩn đoán tắc ruột

Thực hiện khám lâm sàng tắc ruột thường được dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X-quang có thể cho thấy dấu hiệu của khí bị mắc kẹt, phát hiện dấu hiệu ruột giãn trên chỗ tắc.
  • Phương pháp CT scan cung cấp hình ảnh chi tiết hơn khi ruột giãn, ứ dịch và hơi trong lòng ruột, thấy được tình trạng tổn thương của lòng ruột, nguyên nhân gây tắc.
  • Siêu âm được sử dụng để xác định hình ảnh các quai ruột giãn, lòng ruột chứa nhiều dịch, có dịch tự do ổ bụng, có thể thấy được u, lồng ruột…
  • Các xét nghiệm sinh hóa máu: khi có hội chứng chướng do tắc các chỉ số bạch cầu tăng, urê và creatinin máu tăng,...

Những phương pháp điều trị tắc ruột

Đối với tắc đường ruột thì sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau tùy theo những nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ của bệnh, thể trạng của mỗi bệnh nhân. Đôi khi tình trạng tắc đường ruột chỉ cần thay đổi một số lưu ý về chế độ ăn uống, sử dụng.

  • Điều trị nội khoa

Khi bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể được đặt sonde dạ dày nhằm làm bụng đỡ chướng, làm xẹp dạ dày và ruột trên chỗ tắc để dẫn lưu khí, dịch trong dạ dày ra ngoài, tránh dịch ứ đọng trào ngược vào đường hô hấp. Truyền dịch và chất điện giải để tránh mất nước và rối loạn điện giải do trước đó người bệnh nôn ói.

Trong thời gian này bệnh nhân được theo dõi mạch, huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung ương và lượng nước tiểu. Dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như: thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh phòng chống nhiễm trùng. Theo dõi tình trạng bụng của người bệnh, biểu hiện nôn, tần suất đi đại tiện và trung tiện.

  • Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bị tắc ruột cơ học và điều trị nội khoa không đạt kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để tránh biến chứng nguy hiểm, có thể mổ mở hoặc mổ nội soi. Cần có sự phối hợp giữa nội khoa và ngoại khoa để điều chỉnh các rối loạn toàn thân giúp người bệnh có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật, giảm biến chứng nguy hiểm sau mổ.

Tóm lại: Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nếu không điều trị sớm có thể gây thủng ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, thậm chí là tử vong. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng cần nhập viện để được thăm khám và diều trị.

Không tự ý điều trị tại nhà bằng các loại thuốc giảm đau vì chúng sẽ khiến bệnh tình nặng hơn, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Để quản lý tốt tình trạng sức khỏe, phòng ngừa bệnh tắc ruột, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc đi khám khi có các dấu hiệu bất thường. 

Người dân nên thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện khoa học để bảo vệ sức khỏe.

Theo SỨC KHỎE&ĐỜI SỐNG
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-canh-bao-tac-ruot-1692410311123056.htm
...