Cách sơ cứu đúng khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mới đây là vụ 91 công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinsung Vina (Bắc Giang) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc liên hoan ngày 20/10. Hay trước đó, ngày 8/10, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn của Trường cao đẳng Lào Cai khiến 80 học sinh, sinh viên có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt..., trong đó 54 người phải nhập viện cấp cứu, điều trị...
Những vụ ngộ độc vừa qua cho thấy, ngộ độc thực phẩm đang là một mối lo, có thể xảy ra bất cứ khi nào, với bất kỳ ai. Do vậy việc nhận biết kịp thời các triệu chứng vô cùng quan trọng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời gian dài.
Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:
Khi rơi vào những tình huống sau đây, có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm: Người vừa mới ăn xong và khởi phát bệnh ngay sau đó; Có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh. Các dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra): Người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).
Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).
Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố, ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc,...
Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá hoặc bị mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng: Rối loạn thần kinh: Đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt; Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở; Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng).
Sức đề kháng của cơ thể kém: Nhất là ở các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch (thường dùng trong bệnh về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh. Vì vậy, tự bảo vệ bản thân là biện pháp cần thiết đầu tiên phải nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức quan trọng về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm vô cùng cần thiết.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như trên, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:
Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn ra những thức ăn đang ở trong dạ dày đi ra ngoài. Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.
Gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất: Vì mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào. Vậy nên, người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi từ nhân viên y tế.
Các động tác khác nên làm khi phát hiện và sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm:
Giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả thông tin về nhãn mác, thậm chí là bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm: Cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực để đối phó trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt, các cơ quan chức năng có thể kịp thời thông báo và ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng nhẹ, mau khỏi hay không phụ thuộc vào nhiều tác nhân gây nên như lượng chất độc ăn phải, loại ký sinh trùng và sức khỏe từng người.