Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm hay gặp. Việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng đắn sẽ hỗ trợ điều trị và ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Khi bị bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ xuất hiện những tổn thương trên da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước rất đặc trưng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, lưng…
Tay chân miệng là bệnh ngoài da do virus thường gặp
Triệu chứng trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ chia làm 3 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu khác nhau, cụ thể:
- Ủ bệnh: Trẻ chưa có dấu hiệu nào rõ rệt, giai đoạn này thường diễn ra từ 3-6 ngày.
- Khởi phát: Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau họng, đau rát ở vùng niêm mạc miệng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, chảy nước bọt nhiều.
- Toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh): Trẻ sẽ có các phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước màu xám, hình bầu dục có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ vào thấy cộm, không đau, không ngứa.
Bên cạnh đó, trẻ còn gặp tình trạng loét miệng, các vết tổn thương này khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc. Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da. Một số trẻ sẽ còn có các dấu hiệu toàn thân như: Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật,...
Bệnh tay chân miệng có nhiều nốt phát ban ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng được biết đến là có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.
Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể bị biến chứng trên não bộ như: viêm màng não, viêm não và viêm não tủy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có một số biểu hiện bất thường như hay bị giật mình, đi không vững, nhãn cầu rung/giật, mắt nhìn ngược,…
Virus bệnh tay chân miệng còn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch của trẻ như: viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch…; xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập tại các nốt mụn trên da.
Bệnh tay chân miệng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà
Hiện nay các cách điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là cải thiện triệu chứng, chăm sóc trẻ tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi chăm sóc cho trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý:
- Để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh, việc cách ly trẻ mắc bệnh với bạn bè và người thân trong gia đình là cực kỳ quan trọng.
- Sốt do tay chân miệng thường đi kèm với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, hoặc đau khi nuốt do các vết loét trong miệng, gây khó chịu và làm cho trẻ bỏ ăn, lười uống nước. Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể xuất hiện nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì vậy, cha mẹ cần cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ mỗi ngày để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
- Trường hợp bé bị sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ, vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Để trẻ thoải mái, hãy cho trẻ mặc quần áo làm từ vải mềm, rộng rãi và thấm hút mồ hôi. Hãy thay quần áo và tắm rửa cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm.
- Khi tiếp xúc với trẻ, bố mẹ cũng cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, bao gồm đeo khẩu trang và rửa tay kỹ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
- Cuối cùng, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và đủ chất là một yếu tố quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Mẹ nên chú ý cung cấp cho trẻ những món ăn mềm, dễ tiêu hóa, đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa,… Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được chăm sóc đúng cách tại nhà