Bạn sẽ giảm trí nhớ vì những lý do này
Luôn đa nhiệm, không tập luyện, sử dụng điện thoại nhiều, hay quá căng thẳng... là những thói quen phổ biến hàng ngày làm suy giảm trí nhớ.

Việc liên tục xoay xở nhiều nhiệm vụ có thể làm não quá tải, khiến việc ghi nhớ thông tin trở nên khó khăn hơn.
Luôn ở chế độ đa nhiệm
Một số người tự hào vì mình là người đa nhiệm. Nhưng não của chúng ta có thể không vui về điều đó. Các nghiên cứu cho thấy việc liên tục xoay xở nhiều nhiệm vụ có thể làm não quá tải, khiến việc ghi nhớ thông tin trở nên khó khăn hơn.
Khi chúng ta phân tán sự chú ý quá nhiều, não sẽ không có cơ hội xử lý và lưu trữ thông tin một cách hợp lý, dẫn đến tình trạng hay quên. Thay vào đó, hãy thử tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm và dành cho não sự chú ý mà nó đáng được nhận.
Không hoạt động thể chất
Từ bỏ tập luyện không chỉ ảnh hưởng đến vòng eo mà cả trí nhớ của bạn. Tập thể dục thường xuyên làm tăng lưu lượng máu lên não, giúp não hoạt động hiệu quả.
Ngược lại, lối sống ít vận động có thể làm chậm quá trình nhận thức và tăng nguy cơ mắc các tình trạng liên quan đến trí nhớ như chứng mất trí. Ngay cả khi đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc thực hiện một số bài tập giãn cơ cũng có thể tăng cường sức mạnh não bộ và giúp trí nhớ luôn minh mẫn.

Lối sống ít vận động có thể làm chậm quá trình nhận thức. Ảnh minh họa
Không giải câu đố và câu hỏi khó
Hãy coi trò chơi trí tuệ như thức ăn cho trí óc. Nếu chúng ta không thử thách não bộ bằng các câu đố, câu hỏi khó hoặc các hoạt động giải quyết vấn đề, não sẽ trở nên lười biếng.
Giống như cơ bắp yếu đi nếu không được tập thể dục, trí nhớ của bạn cũng có thể suy giảm nếu không được kích thích thường xuyên. Chơi Sudoku, giải ô chữ hoặc thậm chí thử một sở thích mới có thể giúp não hoạt động và cải thiện khả năng ghi nhớ.
Luôn sử dụng điện thoại
Luôn lướt mạng xã hội, xem video liên tục hoặc phụ thuộc vào điện thoại để xử lý dù là việc nhỏ nhặt có thể khiến não chậm chạp. Lượng thông tin liên tục tràn vào khiến tâm trí bạn quá tải, khiến bạn khó tập trung và nhớ lại các chi tiết quan trọng.

Ngoài ra, nhìn chằm chằm vào màn hình quá lâu sẽ làm giảm khả năng suy nghĩ sâu sắc và làm suy yếu khả năng lưu trữ thông tin của não. Hãy thử đặt giới hạn thời gian sử dụng màn hình và nghỉ giải lao để não có không gian thở.
Cô lập bản thân
Bạn có biết sự cô đơn có thể làm não bộ teo lại không? Tương tác xã hội rất cần thiết cho sức khỏe nhận thức. Tham gia vào các cuộc trò chuyện, chia sẻ ý tưởng và dành thời gian cho những người thân yêu giúp rèn luyện kỹ năng tư duy và tăng cường trí nhớ.
Mặt khác, việc cô lập bản thân có thể dẫn đến tình trạng tinh thần mụ mẫm, căng thẳng và thậm chí là trầm cảm - những tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh trí nhớ. Hãy tạo thói quen kết nối với bạn bè, tham gia các nhóm xã hội hoặc các cuộc thảo luận thú vị để giữ cho não bộ luôn hoạt động.

Căng thẳng giống như một tên trộm trí nhớ.
Quá căng thẳng
Căng thẳng giống như một tên trộm trí nhớ - nó dần xóa bỏ khả năng nhớ lại thông tin của bạn. Căng thẳng mãn tính giải phóng cortisol - một loại hormone gây tổn thương trung tâm trí nhớ của não (hồi hải mã). Đây là lý do tại sao khi căng thẳng, bạn có xu hướng quên mọi thứ dễ dàng hơn.
Thư giãn - như thiền, hít thở sâu hoặc tham gia vào một sở thích - có thể giúp bảo vệ não khỏi những tổn thương lâu dài.