SỐNG KHỎE

8 bước chăm sóc trẻ sau tiêm chủng bố mẹ nên biết

21/03/2019 - 18:49

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bố mẹ cần biết những việc nên thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vì sức khỏe của con mình, các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lo ngại khi con quấy khóc, phản ứng sau khi tiêm.

Theo Cục y tế dự phòng, sốt hay quấy khóc ở trẻ sau tiêm chủng là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, riêng chuyện tiêm đã gây đau và khiến trẻ khó chịu.

Bên cạnh đó, khi đưa vắc-xin vào người, nó sẽ gây phản ứng đầu tiên là sưng tại chỗ, sau đó là gây sốt (vì cơ thể nhìn nhận vắc-xin như một tác nhân lạ và phản ứng lại để chống nhiễm trùng).

Khi trẻ sốt, cơ thể khó chịu, lại có cảm giác sưng đau ở vết tiêm thì trẻ quấy khóc là điều đương nhiên nên không có gì phải lo lắng quá mức. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bố mẹ cần biết những việc nên thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng.

1. Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm.

2. Giữ gìn phiếu/ sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ. Mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khi đi khám bệnh.

 Cha mẹ cần mang sổ tiêm chủng của con khi đi tiêm - Ảnh minh họa: Internet

 Cha mẹ cần mang sổ tiêm chủng của con khi đi tiêm - Ảnh minh họa: Internet

3. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, những loại thuốc đang sử dụng hoặc dùng gần đây. Đặc biệt, cần thông báo nếu con có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước hoặc tiền sử bệnh tật, dị ứng.

Đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.

4. Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

5. Sau tiêm chủng:

Cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ.

Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm:  Tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.

 Gia đình cần theo dõi trẻ ít nhất 24 giờ sau tiêm - Ảnh minh họa: Internet

 Gia đình cần theo dõi trẻ ít nhất 24 giờ sau tiêm - Ảnh minh họa: Internet

6. Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

7. Bố mẹ cần thường xuyên đo nhiệt độ cho trẻ để theo dõi thân nhiệt sau khi tiêm phòng. Để bé nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi. Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ.

8. Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao (trên 39 độ C), co giật, quấy khóc kéo dài, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm...                                                                              

Theo Phụ nữ Sức khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/8-buoc-cham-soc-tre-sau-tiem-chung-c22a312304.html
...