NHỊP SỐNG

Vụ trưởng, giám đốc sở không còn phải thi nâng ngạch chuyên

08/07/2025 - 09:45

Từ 1/7, vụ trưởng và tương đương thuộc các bộ, ngành trung ương; giám đốc sở thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được xếp ngạch chuyên viên cao cấp mà không cần thi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Cán bộ, công chức sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là thay đổi căn bản về cách thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nội dung này được cụ thể hóa tại Nghị định 170/2024 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, Nghị định 170 bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức cấp quốc gia, không yêu cầu thi nâng ngạch, qua đó giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng công chức.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, trước đây, công chức từ ngạch chuyên viên muốn nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp phải trải qua kỳ thi nâng ngạch.

"Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học, khi vào làm công chức sẽ bắt đầu từ ngạch chuyên viên, tập sự một năm hưởng 85% lương với hệ số khởi điểm 2,34. Sau 9 năm mới đủ điều kiện thi chuyên viên chính, tiếp tục làm 6 năm nữa mới được thi chuyên viên cao cấp", ông Dũng phân tích.

 Tùy theo năng lực, ứng viên có thể thi tuyển trực tiếp vào vị trí chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc chức vụ lãnh đạo. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

 Tùy theo năng lực, ứng viên có thể thi tuyển trực tiếp vào vị trí chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc chức vụ lãnh đạo. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

Vì vậy, Luật Cán bộ công chức sửa đổi lần này đưa ra nhiều điểm đổi mới công tác tuyển dụng theo vị trí việc làm.

Ngay từ khi tuyển dụng vào, các ứng viên có thể thi vào tất cả các vị trí chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, thậm chí thi tuyển lãnh đạo. Ai đáp ứng vị trí việc làm nào thì được nhận vào vị trí đó và hưởng lương của vị trí việc làm đó.

Không còn chuyện thi nâng ngạch để nâng lương

Nghị định 170 cũng quy định rõ cơ chế chuyển tiếp. Theo đó, vụ trưởng và tương đương thuộc các bộ, ngành trung ương; giám đốc sở thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được xếp ngạch chuyên viên cao cấp mà không cần thi nâng ngạch. Tương tự, phó vụ trưởng, phó giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được xếp ngạch chuyên viên chính.

Tuy nhiên, việc bỏ thi nâng ngạch không đồng nghĩa với buông lỏng đánh giá cán bộ. Trách nhiệm lựa chọn, bổ nhiệm đúng người thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

"Chẳng hạn, ở một vụ có 7 vị trí chuyên viên cao cấp nhưng mới có 6, còn thiếu 1. Vụ trưởng sẽ phải đưa ra các tiêu chí để xem xét các nhân sự trong vụ ai đáp ứng được yêu cầu thì bố trí lên vị trí việc làm của chuyên viên cao cấp", Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu sau khi bố trí mà công chức không làm được việc thì phải sàng lọc để xét chọn người khác phù hợp hơn chứ không phải như lâu nay, ai thi nâng ngạch đạt rồi cứ hưởng lương chuyên viên cao cấp dù không làm gì khác trước.

Việc bỏ thi nâng ngạch được xem là bước đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực hệ thống công vụ. Công chức sẽ không còn dựa vào các kỳ thi nâng ngạch để thăng tiến, tăng lương mà phải chứng minh năng lực qua hiệu quả công việc.

Để cơ chế mới thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm thực chất, rõ ràng thì việc phân cấp giao quyền cần đi đôi với giám sát.

Người đứng đầu được giao quyền bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự cần đi kèm cơ chế hậu kiểm, thanh tra công vụ định kỳ, tránh việc "giao quyền nhưng không kiểm soát". Điều này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng phân cấp để bổ nhiệm thiếu minh bạch, chọn sai người.

Kỳ thi nâng ngạch kết thúc giai đoạn lịch sử

Kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp vào ngày 25/8/2023 được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gọi là kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt, kết thúc giai đoạn lịch sử để chuyển sang hình thức khác.

Kỳ thi này có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia; trong đó khối trung ương có 602 người, địa phương có 599 người.

Trong số này, diện cán bộ lãnh đạo chiếm tỷ lệ cao. Riêng ở địa phương, có gần 40 cán bộ là phó chủ tịch HĐND, UBND. Ở trung ương, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ hoặc được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương cũng rất cao.

Tại kỳ thi này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ thay đổi toàn diện các nội dung có liên quan đến thi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính bằng hình thức xét tuyển.

Theo TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/vu-truong-giam-doc-so-khong-con-phai-thi-nang-ngach-chuyen-post1553138.html
...