NHỊP SỐNG

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ

01/07/2020 - 10:16

Mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái đều phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, được phát triển, được bảo vệ và được thực hiện những quyền năng chính đáng của mình.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2020, lần đầu tiên sẽ tổ chức Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số.

Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội trong ASEAN.

Hoạt động này cũng nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.

Phiên họp đặc biệt của các

Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới vì các Nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên thảo luận chính thức về việc trao quyền cho phụ nữ.

Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025” được tổ chức tại Hà Nội, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta không thể trở thành Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội nghị

Để làm được điều này, mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái đều phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, được phát triển, được bảo vệ và được thực hiện những quyền năng chính đáng của mình.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh ba nội dung hợp tác: Một là, đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm.

Ba là, tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

Nhiều thành tựu về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

x22

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia.

Hàng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được Việt Nam triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 - 2011.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giớiTỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia.

Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Đặc biệt, trong quân đội gần đây có các nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó tỷ lệ nữ là khoảng 48%. Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016...

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.

Theo GIA ĐÌNH MỚI
Nguồn: https://www.giadinhmoi.vn/asean-2020-thuc-day-binh-dang-gioi-chung-tay-nang-cao-vi-the-cua-phu-nu-d41812.html
...