Ngập lụt đang diễn ra phức tạp tại một số tỉnh miền Trung
Do ảnh hưởng của mưa lớn, tại nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng ngập lụt đang diễn ra phức tạp gây thiệt hại tương đối lớn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Số liệu quan trắc cho thấy, trong mấy ngày qua, tại khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Một số trạm có mưa lớn trong 24 giờ qua như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Phước Hiệp (Quảng Nam), Bình An (Quảng Ngãi)...
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, đêm qua và sáng nay, lũ trên các sông ở miền Trung đang lên nhanh. Lúc 7h sáng nay, lũ trên sông Hương tại Kim Long là 3,01m, dưới báo động 3 là 0,49m, trên sông Bồ tại Phú Ốc là 3,62m, trên báo động 2 là 0,62m, trên sông Vệ tại sông Vệ là 3,82m, trên báo động 2 là 0,32m, trên sông Kôn tại Thạnh Hòa là 6,3m, trên báo động một là 0,3m.
Cơ quan khí tượng phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1 ở các tỉnh miền Trung do mưa lớn, riêng Huế đối mặt với rủi ro thiên tai cấp 2.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của mưa lớn, tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại tương đối lớn. Trong đó, tại Thừa Thiên Huế đã có 2 người bị thương do sạt lở đất vào nhà.
Một số tuyến đường tỉnh (1, 2, 3, 5, 8A, 12B, 12D, 15B, 19) đã bị ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại cả người dân, nhất là tại Thừa Thiên Huế. Trong khi đó tại Quảng Nam, cơ quan chức năng cũng ghi nhận đến 25 điểm đường bị sạt lở.
Để hạn chế thiệt hại về người do mưa lũ, các tỉnh khu vực miền Trung đã chủ động sơ tán tổng số 312 hộ dân với 1.030 người khỏi những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 174 hộ/507 người; Quảng Nam 138 hộ/523 người.
Để ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên; các bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh.
Triển khai lực lượng rà soát các khu dân cư có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng bảo đảm giao thông, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.