NHỊP SỐNG

Ký ức tháng Tư lịch sử của hai người lính tiến vào Sài Gòn

19/04/2025 - 08:19

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi có dịp gặp lại hai người lính năm xưa: Một người đứng trước Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử, một người tiến vào tiếp quản Bộ Quốc phòng.

Gần 50 năm trôi qua, ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm họ. Gặp nhau giữa đời thường hôm nay, họ cùng nhau nhớ lại những tháng năm hào hùng, gian khổ nhưng đầy tự hào của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Mỗi chặng đường đều thấm máu và nước mắt của đồng đội

Sinh năm 1947 tại Nam Đàn, Nghệ An là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Văn Phùng lên đường nhập ngũ tháng 4/1965, khi vừa tròn 18 tuổi. Năm năm đầu quân ngũ, ông được điều ra làm nhiệm vụ tại đảo Hòn Mắt – vị trí tiền tiêu chiến lược trên biển Bắc Trung Bộ. Cuộc sống giữa biển khơi khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề nhưng không làm chùn bước người lính trẻ.

 Đồng chí Nguyễn Văn Phùng.

 Đồng chí Nguyễn Văn Phùng.

“Ở đảo những năm đó gian nan lắm. Nhưng tôi luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ. Càng khó khăn, càng phải vững vàng, ông Phùng chia sẻ.

Năm 1970, ông rời đảo về học Trường Sĩ quan Pháo binh rồi được điều động về lực lượng Tăng Thiết giáp, giữ chức Trung đội trưởng, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế từ năm 1972. Những năm tháng ở “vùng lửa” miền Trung để lại trong ông những vết hằn khó phai.

Ngày nào cũng đánh, hôm nào cũng có hy sinh. Mỗi chặng đường đi qua đều thấm máu và nước mắt của đồng đội,” ông nghẹn giọng.

Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Phùng là Chính trị viên Đại đội Xe tăng – Đại đội 3, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12).

“Từ Phan Thiết, Trảng Bàng đến cửa ngõ Sài Gòn, chúng tôi hành quân không nghỉ. Chiến đấu liên tục, nhưng khí thế anh em không hề suy giảm,” ông kể lại.

Trong ký ức của ông, những ngày cuối tháng Tư năm 1975 là chuỗi thời gian dồn dập, khẩn trương. Ngay sau khi đơn vị bạn đánh vào Dinh Độc Lập, ông cùng đại đội làm nhiệm vụ phục kích phía trước để sẵn sàng yểm trợ nếu có phản kích.

“Tôi không vào Dinh, nhưng đứng ngay phía trước. Thời khắc đó, cảm xúc vỡ òa. Từ hải đảo đến chiến trường khốc liệt, giờ được chứng kiến đất nước hòa bình, trong lòng dâng lên một niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả,” ông xúc động nhớ lại.

 Đồng chí Ngô Văn Dùng.

 Đồng chí Ngô Văn Dùng.

Vỡ òa trong xúc động khi lịch sử sang trang

Cũng trong đoàn quân tiến về Sài Gòn trưa 30/4 lịch sử, ông Ngô Văn Dùng - Chính trị viên Đại đội 3, Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 – lại ghi dấu ấn tại một mặt trận khác. Ông cùng đồng đội phối hợp lực lượng Quân khu 6 tiến vào giải phóng tỉnh Bình Tuy, rồi từ đó thần tốc tiến về cửa ngõ Sài Gòn.

“Đơn vị chúng tôi hành quân liên tục, khí thế anh em hừng hực. Ai cũng chỉ mong tiến nhanh nhất, giải phóng sớm nhất,” ông Dùng chia sẻ.

Vào khoảng 9h30 sáng 30/4/1975, Quân đoàn 2 đã áp sát cầu Đồng Nai.  Đại tá Hoàng Đan – Tư lệnh Phó - Quân đoàn 2 đích thân chỉ huy xe tăng húc thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhứt (tức Sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ), mở đường cho các mũi tiến công khác.

Trong lúc các đơn vị đánh chiếm Dinh Độc Lập, ông Dùng cùng đồng đội chia quân kiểm soát các cơ quan trọng yếu. Tại Bộ Quốc phòng Sài Gòn, ông nhận lệnh tiếp quản trực tiếp từ Thượng úy Hoàng Trọng Tình – Chính trị viên – Tiểu đoàn 8 là người sau này trở thành Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 4.

 Ảnh tư liệu (nhân vật cung cấp)

 Ảnh tư liệu (nhân vật cung cấp)

 Ảnh tư liệu (nhân vật cung cấp)

 Ảnh tư liệu (nhân vật cung cấp)

“Lúc đó, trong sân Bộ Quốc phòng có rất nhiều xe jeep đang nổ máy. Chúng tôi bố trí hỏa lực kỹ lưỡng, rồi tiến vào hội trường. Một thượng tá của chính quyền Sài Gòn đứng đợi sẵn để đầu hàng. Họ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, không cần nổ súng,” ông kể lại giây phút đầy kịch tính.

Đúng 11h35, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông Dùng và đồng đội vỡ òa trong xúc động khi lịch sử sang trang, chiến tranh chấm dứt, đất nước độc lập, thống nhất.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1977, ông Phùng nằm trong số 300 sĩ quan Quân đoàn 2 được tăng cường về địa phương. Ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo huyện đảo Phú Quý (nay thuộc tỉnh Bình Thuận), công tác liên tục 12 năm trên đảo.

“Ở đảo gian khổ nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Đó là một mặt trận mới, cũng đầy thử thách nhưng rất đáng tự hào,” ông cho biết.

Giữ vững khí chất của người lính

50 năm sau ngày toàn thắng, hai người lính năm xưa vẫn giữ vững khí chất của người cán bộ, người lính Cách mạng. Họ tích cực tham gia hội Cựu chiến binh, công tác Đảng, đoàn thể tại địa phương, làm gương cho con cháu.

“Cả hai vợ chồng tôi đều là quân nhân. Nghỉ hưu rồi vẫn hoạt động đều, mong góp chút công sức nhỏ để thế hệ sau sống xứng đáng với cha ông,” ông Phùng chia sẻ.

Với gần 60 năm tuổi Đảng, ông bảo: “Tôi vô cùng tự hào, nhưng luôn nghĩ phải tiếp tục cố gắng, không chỉ cho bản thân mà còn để nhắc nhở lớp trẻ về giá trị của độc lập, tự do.”

Tháng Tư trở về, giữa rợp cờ hoa và lời ca chiến thắng, những ký ức một thời đạn bom vẫn sống động trong lòng những người lính từng đi qua năm tháng đó.

Chia sẻ với PV, ông Ngô Văn Dùng xúc động nói: “Khi giải phóng Bình Tuy, đơn vị tôi thần tốc tiến vào Sài Gòn. Càng gần đến chiến thắng, tinh thần anh em càng hăng hái, quyết tâm hơn. Đó là động lực để chúng tôi "đi đến đâu – thắng đến đó". Khi miền Nam được thống nhất, tôi vô cùng tự hào, phấn khởi, nhưng cũng không quên tưởng nhớ những đồng chí đã hy sinh anh dũng trong suốt mấy chục năm kháng chiến.”

Theo TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ky-uc-thang-tu-lich-su-cua-hai-nguoi-linh-tien-vao-sai-gon-2097861.html
...