NHỊP SỐNG

Hiểu thế nào về phạt tù chung thân không xét giảm án

09/04/2025 - 09:08

Theo dự thảo, tù chung thân không xét giảm án được hiểu "là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác".

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất tăng thêm 1 hình phạt chính so với 7 hình phạt tại Bộ luật Hình sự hiện hành, đó là hình phạt tù chung thân không xét giảm án để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, theo dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ có 8 hình phạt chính gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tù chung thân không xét giảm án và tử hình.

Theo dự thảo, tù chung thân không xét giảm án được hiểu "là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác". Án phạt này được đề xuất áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tuyên tử hình. Thời hiệu thi hành bằng thời hiệu của án tù chung thân và tử hình, tức 20 năm.

Dự thảo cũng đề xuất, hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính; cấm nhập cảnh; giám sát điện tử.

 

 

Ảnh minh họa. 

Việc dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đưa thêm 3 hình phạt mới gồm phạt tù chung thân không xét giảm án (hình phạt chính), cấm nhập cảnh, giám sát điện tử (hình phạt bổ sung) khiến dư luận quan tâm.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên luật hình sự, Khoa Luật và Lý luận chính trị, trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2018, áp dụng đến nay chưa lâu, tuy nhiên một số nội dung không còn phù hợp.

Bởi vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là cần thiết phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay.

Đồng thời cũng cần phải bổ sung thêm các tội danh liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng cho phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trong buổi cảnh hiện nay.

Luật sư Cường cho rằng, đối với vấn đề hình phạt cũng phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo, có đề xuất thêm một số hình thức xử lý như “tù chung thân không giảm án”, “Cấm nhập cảnh”, “giám sát điện tử…”.

Tuy nhiên, đây không phải là những hình phạt mới, không bất ngờ, khác biệt mà chỉ là hình thức đổi mới những hình phạt đang có.

Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đang áp dụng hiện nay quy định có 7 hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.

Bộ luật Hình sự hiện hành cũng quy định có 7 hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành có hình phạt “tù chung thân” nhưng loại hình phạt này cũng có thể được thay đổi trong giai đoạn thi hành án nếu như phạm nhân cải tạo tốt và được giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá, đại xá. 

 

 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường 

Đối với hình phạt bổ sung “cấm nhập cảnh”, đây là mở rộng áp dụng hình phạt trục xuất, cấm cư trú và biện pháp hành chính hạn chế khi người nước ngoài, người không quốc tịch nhập cảnh vào Việt Nam. Hình phạt trục xuất trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay là quy định cơ bản, áp dụng với người nước ngoài khi họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, đề xuất mới của Bộ Công an mở rộng việc áp dụng hình phạt này đối với cả trường hợp họ chưa phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, không cho phép họ nhập cảnh vào Việt Nam để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi người nước ngoài có đặc điểm về lý lịch tư pháp có nguy cơ mất an toàn cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam.

Nhiều quốc gia đã có quy định này và áp dụng nhiều năm trở lại đây. Bởi vậy quy định này áp dụng ở Việt Nam hiện nay cũng là phù hợp trong xu hướng giao lưu quốc tế, khi tội phạm xuyên quốc gia phát triển nhanh, diễn biến phức tạp khó lường như hiện nay.

Đối với hình phạt là “giám sát điện tử”, nhiều quốc gia đã áp dụng để quản lý người cải tạo không gian giữ, người bị phạt tù, nhưng cho hưởng án treo vào một số trường hợp khác như quản chế, tù tại gia, lao động công ích…

Biện pháp này là vận dụng công nghệ, thiết bị điện tử trong quản lý người phạm tội và người thuộc đối tượng quản lý trong xã hội để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tư pháp là xu hướng tất yếu, biện pháp này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc áp dụng biện pháp này là hoàn toàn hợp lý và khả thi.

Bộ Công an đề xuất bổ sung án tù chung thân không xét giảm án cho 14 tội danh. Trong đó 7 tội sẽ dùng hình phạt này là mức án cao nhất, thay cho tử hình, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Gián điệp (Điều 110); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tham ô tài sản (Điều 353) và Nhận hối lộ (Điều 354).

Với người phạm tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án, dự thảo đề xuất nếu trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân (mức án nhẹ hơn liền kề).

7 tội danh dự kiến có khung hình phạt chung thân không xét giảm, song vẫn giữ nguyên án tử hình là mức phạt nặng nhất gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Bạo loạn (Điều 112); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Giết người (Điều 123); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và tội Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).

Theo TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG
Nguồn: https://m.kienthuc.net.vn/xa-hoi/hieu-the-nao-ve-phat-tu-chung-than-khong-xet-giam-an-2095327.html
...