Hàng nghìn du khách về thăm quê Bác trong ngày thống nhất
Từ sáng sớm ngày 30/4, hàng nghìn đoàn khách nối nhau về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên để bày tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Trong ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đón hàng nghìn du khách về dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1990 và đưa vào danh sách xếp hạng 23 Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Chị Trần Thị Hải Yến ở Thanh Hóa cho biết: “Vợ chồng tôi năm nay đưa các con về thăm quê Bác đúng dịp 30/4. Về đây, tôi cũng như bao người khác đều trào dâng nỗi nhớ Bác. Thật xúc động khi tự tay dâng bó hoa thắm, nén hương thơm lên bàn thờ Bác. Công lao của Bác đối với nhân dân, đất nước ta là vô bờ bến và sẽ được các lớp lớp thế hệ người Việt Nam ghi nhớ”.

Mỗi ngày có hàng nghìn du khách về thăm ngôi nhà đã gắn bó một thời kỳ quan trọng đầy ý nghĩa trong thời niên thiếu của Bác Hồ từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906; ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Người. Sau 50 năm xa cách quê nhà, Bác Hồ đã trở về thăm làng Sen hai lần vào năm 1957 và 1961. Khu vực ao cá rất được các bạn nhỏ thích thú mỗi khi về thăm quê Bác.

"Từng kỷ vật giản dị nơi đây như một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, dẫn dắt mỗi người Việt Nam trở về với cội nguồn tinh thần của dân tộc. Được tham quan quê Bác, chúng em đã hiểu thêm về những cống hiến và hy sinh của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và những người thân trong gia đình Bác cho độc lập dân tộc", em Võ Ngọc Minh Châu ở TP Hà Tĩnh chia sẻ.

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, rất nhiều gia đình chọn Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và trải qua những năm tháng tuổi thơ, là điểm đến.

Theo tư liệu, Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Lần đầu tiên ở làng Sen có người đỗ đạt cao nên dân làng Sen đã trích mảnh đất rộng khoảng 2.500m2 làm vườn, mua một ngôi nhà 5 gian về dựng tại đây và mời gia đình ông Phó bảng về ở. Trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt. Ngôi nhà được dựng bằng tre và gỗ, lợp mái tranh mộc mạc và đơn sơ.

Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách - từng là chỗ đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh – người chị cả của Bác; hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Trong đó, gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ để cụ Phó bảng nằm đọc sách, tới gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ). Kế bên là nhà ngang sử dụng làm bếp.

Năm nay kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, thời tiết thuận lợi nên du khách về tham quan tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên rất đông. Từ sáng sớm bãi đậu xe vào Khu di tích đã chật kín chỗ.