NHỊP SỐNG

Chỉ trong 1 ngày, Kon Tum xảy ra 11 trận động đất, trận mạnh nhất có độ lớn 3.8 gây rung lắc huyện Kon Plông

27/11/2024 - 07:20

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào 2h22 với độ lớn 3.8, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Theo báo Dân Trí đưa tin, ngày 26/11, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) phát đi thông báo ghi nhận 11 trận động đất xảy ra trong gần một ngày tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào 2h22 với độ lớn 3.8, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Những trận động đất xảy ra liên tiếp sau đó có độ lớn từ 2.7 đến 3.7.

 Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) phát đi thông báo ghi nhận 11 trận động đất tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Báo Dân Trí. 

 Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) phát đi thông báo ghi nhận 11 trận động đất tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Báo Dân Trí. 

Anh Nguyễn Văn Sơn (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) chia sẻ: "Khoảng 2h, gia đình tôi đang ngủ thì cảm nhận được sự rung lắc mạnh do động đất gây nên. Sau đó, gia đình cũng cảm nhận rung lắc nhưng nhẹ hơn".

Theo anh Sơn, ở huyện Kon Plông, mọi người đều thường xuyên cảm nhận được rung lắc. Khi xảy ra các trận động đất gây rung lắc mạnh, mọi người cũng hoang mang, lo lắng về mức độ an toàn của các công trình".

Trong những ngày qua, huyện Kon Plông liên tục ghi nhận các trận động đất xảy ra.

Chia sẻ trên VOV, Theo TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đây đều là các trận động đất kích thích, hình thành do quá trình tích nước của các hồ chứa đập thuỷ điện tại khu vực: “Viện Vật lý địa cầu đã triển khai một mạng trạm địa phương để quan trắc động đất tại KonPlong, hiện nay có 11 trạm. Với mạng trạm như vậy thì chúng ta có thể quan trắc được những động đất rất là nhỏ. Từ việc quan trắc như vậy thì chúng ta có thể đánh giá mối liên hệ giữa động đất và chu trình tích nước, mực nước rồi địa chấn kiến tạo của khu vực để từ đó đánh giá được mức độ hoạt động của động đất cũng như độ lớn của động đất và đưa ra các giải pháp ứng phó”.

 Bản đồ tâm chấn động đất mạnh 3.8. Ảnh: VOV. 

 Bản đồ tâm chấn động đất mạnh 3.8. Ảnh: VOV. 

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các trận động đất này. Mặc dù các trận động đất này không gây thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên, người dân ở một số khu vực cảm nhận rõ rung lắc.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - chuyên gia cao cấp Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khuyến cáo: “Ở Việt Nam những động đất mạnh có tính hủy diệt như ở Nhật Bản, Philippines hay Indo thì rất là hiếm, chủ yếu là những động đất trung bình, nhưng dù là trung bình thì cũng có thể có những thiệt hại xảy ra. Do đó khi động đất xảy ra thì người dân nên ra khỏi nhà, tìm đến các khu đất trống để tránh những nguy hiểm như sập trần hoặc bị rơi các thứ vào đầu, người. Đặc biệt phải theo dõi các khuyến cáo của các cơ quan chức năng có chuyên môn, các khuyến cáo của các nhà khoa học về động đất”.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://phunusuckhoe.giadinhonline.vn/phu-nu-va-gia-dinh/chi-trong-1-ngay-kon-tum-xay-ra-11-tran-dong-dat-tran-manh-nhat-co-do-lon-38-gay-rung-lac-huyen-kon-plong-710500.html
...