Cần làm gì khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng?
Theo luật sư, nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm sữa giả, kẹo giả mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản họ sẽ được cơ quan điều tra xác định là người bị hại và tham gia tố tụng với tư cách này
Đồng thời người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu tại văn phòng Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood để phục vụ điều tra. Ảnh: P. Tâm
Liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cơ quan chức năng, những người trên đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột. Đến nay, đường dây của 2 công ty này đã sản xuất và bán ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai, đem lại doanh thu gần 500 tỉ đồng trong khoảng 4 năm.
Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố. Các bị can khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng ở một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng bắt tạm giam Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt), Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt) cùng những người liên quan để điều tra hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Trước khi bị bắt, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã công bố, quảng bá, giới thiệu sản phẩm kẹo Kera với lời quảng cáo có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng… Nhưng theo cơ quan điều tra, thực ra nhuận tràng lại chính là do chất Sorbitol… Các đối tượng cho chất Sorbitol chiếm tỷ lệ 30% trong thành phần và các chất phụ gia khác nhưng lại không công bố cho người tiêu dùng biết.

Cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả. Ảnh: CACC
Người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại
Sau sự việc được công bố, dư luận ngoài việc bức xúc về lòng tin của mình bị lợi dụng, còn vô cùng lo lắng vì sức khoẻ khi đã trót dùng các sản phẩm nêu trên. Vậy, người tiêu dùng có được bồi thường trong trường hợp này hay không và phải làm thế nào để thực hiện quyền lợi của mình? Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm sữa giả, kẹo giả mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản họ sẽ được cơ quan điều tra xác định là người bị hại và tham gia tố tụng với tư cách này.
Căn cứ tại khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về quyền của người tiêu dùng như sau: yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả kém chất lượng.
Để yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm bồi thường, căn cứ tại Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng như sau: trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực được phân công.
Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận được yêu cầu quy định thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan Nhà nước khác thì có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan đó và thông báo cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Như vậy, không bắt buộc người tiêu dùng phải yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm bồi thường không thông qua văn bản mà có thể yêu cầu trực tiếp.