Bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến bớt gánh nặng
Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu, tuyến cuối không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.
Điều này đã giúp người bệnh an tâm điều trị bệnh tại các tuyến y tế chuyên sâu kỹ thuật cao.
Bỏ giấy chuyển tuyến, người bệnh thấy nhẹ nhàng hơn
Ông Hoàng Văn Tiến (Hà Nam) điều trị u lympho tại Bệnh viện K từ tháng 9/2024. Cứ 20 ngày, ông lại xuống Hà Nội truyền hoá chất 1 lần. Ngày 30/12/2024 vừa qua, ông được bác sĩ cho ra viện và hẹn đến ngày 3/1/2025 đến viện điều trị tiếp. Khác với những lần tái khám trước, lần này, ông Tiến được thông báo không phải mang theo giấy chuyển tuyến nữa.
Người bệnh điều trị tại Bệnh viện K
“Chiều 31/12, tôi đọc báo thấy thông tin bắt đầu từ ngày 1/1/2025, người bệnh đi khám ở bệnh viện chuyên sâu không cần giấy chuyển viện nữa. Tôi tìm hiểu thì thấy căn bệnh mình đang mắc cũng nằm trong danh mục không cần giấy chuyển tuyến. Đến sáng ngày mồng 1, cũng có người ở Bệnh viện K gọi đến cho tôi và bảo rằng tình trạng của tôi không cần phải xin giấy chuyển tuyến nữa. Tôi mừng quá”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, trước đây việc xin giấy chuyển tuyến tốn nhiều thời gian. “Giờ bỏ đi rồi, tôi thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, ông Tiến nói.
Cũng giống với trường hợp của ông Tiến, bà Thái Thị Vỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng đang phải điều trị tại Bệnh viện K cho hay, mỗi lần xin giấy chuyển tuyến tốn quá nhiều thời gian, người bệnh phải mất công đi lại 1 ngày ròng, hết bệnh viện huyện lại lên bệnh viện tỉnh.
“Quê tôi xa, mỗi lần ra Hà Nội khám bệnh là cả nhà tất tưởi đi xin giấy chuyển tuyến cho ăn chắc. Cứ phải mất 1 ngày để xin được giấy chuyển tuyến, xin giấy ở huyện rồi ở tỉnh, trải qua nhiều bước kiểm tra sức khoẻ, vất vả lắm. Từ nay không cần giấy này nữa, tôi có thể an tâm chữa bệnh rồi”, bà Vỹ chia sẻ.
Theo đại diện Bệnh viện K, trong ngày đầu tiên của năm 2025 đến sáng ngày 2/1 đã có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K đã không phải xin giấy chuyển tuyến mới. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, giảm bớt thủ tục hành chính cho người bệnh bảo hiểm y tế.
Người bệnh có thể lựa chọn cấp chuyên sâu ở tỉnh hoặc trung ương
Trong Thông tư 01 Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025 đã ban hành các danh mục các bệnh, nhóm bệnh mà người bệnh được đến thẳng các cơ sở khám bệnh chữa bệnh ở cấp chuyên sâu hoặc cấp cơ bản mà không phải làm các thủ tục chuyển cơ sở khám chữa bệnh.
Đối với danh mục được đi thẳng lên cấp chuyên sâu để khám chữa bệnh bao gồm có 62 bệnh, nhóm bệnh được đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu, tuyến cuối không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, danh mục ban hành được lựa chọn, đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao… mà cấp cơ sở cơ bản, ban đầu chưa đáp ứng được điều trị mới được chuyển thẳng lên tuyến trên.
“Chúng tôi tập trung vào một số bệnh lý mà qua rà soát xác định chỉ có cấp chuyên sâu mới đủ năng lực chẩn đoán điều trị, để bệnh nhân không phải đi vòng qua nhiều cấp mới phát hiện được bệnh khiến hiệu quả điều trị suy giảm. Ngoài ra, chúng tôi cũng rà soát toàn bộ các mã bệnh, chi phí điều trị để đảm bảo khả năng cân đối quỹ", bà Trang cho biết.
Thông tư 01 có hiệu lực, người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn khám chữa bệnh ở cấp chuyên sâu là bệnh viện ở tỉnh hoặc bệnh viện ở cấp trung ương.
Theo bà Trang, để đảm bảo cân đối của hệ thống, người bệnh nên thăm khám và điều trị gần nhà nếu như cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu ở tỉnh có khả năng chẩn đoán, điều trị. Điều này giúp giảm chi phí đi lại, người bệnh được gần gia đình, thuận tiện cho việc chăm sóc.
Thông tư 01 là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.
Việc này góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, tiết kiệm được những chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên.
Đồng thời hướng tới giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, góp phần sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.