KHÁM PHÁ

Xôn xao không cúng gà vào Giao thừa 2025 chuyên gia nói gì?

21/01/2025 - 15:05

Nhiều người hoang mang, lan truyền thông tin năm Ất Tỵ là năm Rắn, rắn sẽ nuốt gà nên không thể cúng gà trong đêm Giao thừa vì sẽ làm may mắn bị “nuốt mất”.

Chỉ chú ý không nên sát sinh, không nên suy luận vô căn cứ

Trong mâm cúng Giao thừa của người Việt Nam, từ bao đời nay không thể thiếu một con gà trống. Bởi theo quan niệm, gà trống gáy gọi Mặt Trời, gọi ngày mới. Cúng gà trống trong đêm Giao thừa là để gọi ngày mới lên, đem lại những điều tươi tắn, mới mẻ, tốt lành cho gia chủ.

  Theo quan niệm truyền thống, mâm cúng Giao thừa có gà trống sẽ mang lại may mắn. Ảnh: Internet.

  Theo quan niệm truyền thống, mâm cúng Giao thừa có gà trống sẽ mang lại may mắn. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, năm 2025 là năm Ất Tỵ, năm con Rắn, nên nhiều người đã xôn xao với thông tin không cúng gà Giao thừa. Lý do là vì rắn có thể ăn gà, vẫn có câu “cõng rắn cắn gà nhà”, nên nếu cúng gà thì gia chủ sẽ bị nuốt mất phần may mắn, tài lộc.

“Tôi nghe thông tin lan truyền trên mạng nên rất phân vân. Mọi năm tôi đã đặt một con gà trống thật đẹp để cúng Giao thừa, nhưng năm nay, tôi chưa đặt gì cả”, chị Nguyễn Vân Thúy (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA cho hay, quan niệm không cúng gà trong Giao thừa 2025 không hề có cơ sở. Vậy, chẳng hạn vào năm Hổ, hổ cũng ăn cả gà và lợn, thì lẽ nào không được cúng?

Theo ông Khanh, Lễ cúng Giao thừa thể hiện sự tri ân (lòng biết ơn) của gia chủ đối với các bậc thần linh, các bậc nhân linh tiền bối đã trợ duyên “mưa thuận gió hòa” cho trần gian trong việc mưu sinh.

Cúng Giao thừa thể hiện lòng thành kính nên về mặt hình tướng phải chọn nơi trang trọng nhất, thanh tịnh nhất để làm nơi cúng tế. Còn về mặt tâm linh thì lễ vật thể hiện sự đẹp đẽ, thanh tịnh, chân tình - đó chính là sự quý kính, hiếu thuận, tri ân và thiện tâm đối với các chư vị thiên thần hộ pháp của thế giới tâm linh và tri ân gia tiên tiền tổ.

"Thực ra, nghi thức cúng lễ tựa như "giáo cụ trực quan", thông qua đó, tín chủ bày tỏ tín ngưỡng của mình trong việc giao tiếp tâm linh. Nên chú ý không sát sinh, chứ đừng mê tín", ông Khanh nói.

Ông Vũ Thế Khanh lưu ý, khi Cúng Giao thừa năm Ất Tỵ 2025, mọi người không nên cúng tiền giả, không cúng vàng bạc giả, không cúng đồ mã, không cúng quần áo mã. Nếu có điều kiện thì cúng tiền thật, đồ thật để thể hiện tâm chân thành của mình. Sau khi cúng xong, mang số tiền thật, đồ thật ấy đi làm từ thiện để tăng trưởng công đức cho đời này và đời sau.

Bài cúng Giao thừa năm Ất Tỵ rước may mắn, an lành

Theo TS Vũ Thế Khanh, người Việt khi cúng Giao thừa năm Ất Tỵ năm 2025 nên kính bái thỉnh các chư vị thần linh hộ trì cho dân tộc Việt, đó là Ngũ vị thần quan, Thành hoàng bản thổ, chư vị Táo Quân, Thổ thần Long Mạch, Thần Linh Thổ địa.

Cùng với đó, kính bái thỉnh Hùng thiêng sông núi, các vị tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; Kính bái thỉnh Hội đồng Tâm linh các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc;

Kính bái thỉnh chư vị chân linh thất tổ cửu huyền, gia tiên tiền tổ nội ngoại, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, Tổ Cô, Tổ Mãnh…; Kính thỉnh tất cả các chư vị về đây chứng minh và cùng thọ hưởng phẩm vật do tín chủ dâng cúng

Nếu theo tôn giáo nào thì mở đầu sẽ kính thỉnh vị giáo chủ tôn giáo đó.

Dưới đây là bài cúng Giao thừa năm Giáp Thìn quý độc giả có thể tham khảo:

1. Nguyện hương (ngũ phần hương)

Hương Giới hương Định cùng hương Huệ, hương Giải thoát, Giải thoát tri kiến

Đài mây sáng rực trùm Pháp giới

Cúng dường Chư Phật khắp Mười phương

Nạm mô Bồ Tát Hương cúng dường (3 lần)

2. Danh xưng:

Nam mô chư Phật, chư Thiên, chư Bồ Tát

Tín chủ chúng con tên là :… cùng toàn thể gia quyến

Tại địa chỉ : …

Kính bái thỉnh:

- Chư Phật, chư vị Bồ Tát hộ trì Chánh Pháp

- Chư vị thần linh độ trì cho dân tộc Việt Nam

- Ngũ vị thần quan thành hoàng bản thổ

- Chư vị Táo Quân, Thổ thần Long mạch.

- Chư vị Thần linh Thổ địa.

- Chư vị Anh linh Hùng thiêng sông núi.

- Chư vị tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước.

- Hội Đồng Tâm linh các Anh Hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc

- Các chư vị thánh linh hữu danh vô vị, hữu vị vô danh.

- Các chư vị chân linh thất tổ cửu huyền, gia tiên tiền tổ nội ngoại, Tổ Cô, Tổ Mãnh, hương linh hữu danh vô vị, hữu vị vô danh,...

Giờ phút giao thừa năm Quý Mão qua đi, năm Giáp Thìn vừa tới (hoặc cúng đầu năm mới), tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa uy nghi, lễ bạc lòng thành (hương, đăng, trà, hoa quả, phạn thực…) kính dâng lên các chư vị chứng minh và hạnh hưởng.

Kính xin sự gia hộ độ trì cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, gia đình hạnh phúc, tâm từ bi rải khắp muôn loài, mọi sinh linh đều được bình đẳng trong tình thương yêu của đấng thiêng liêng.

Cúng khẩn quan Hành khiển

Theo tín ngưỡng từ xa xưa, với 12 con giáp đều có quan Hành khiển, Hành binh, Phán quan khác nhau. Tuy nhiên từ xa xưa chúng ta lệ thuộc vào bài cúng khấn quan Hành khiển là người Tàu từ thời Bắc Thuộc

Ngày nay, đất nước ta đã độc lập tự do, bởi vậy chúng ta nên khấn mời các vị Quan Hành khiển là các bậc nhân thần, hiền thần của các triều đại Việt Nam đã có công dựng nước và giữ nước. Cụ thể như sau:

Năm Tý: Hùng Vương (Nguyễn Vương), Năm Sửu: Trưng Vương, Năm Dần: Trần Vương, Năm Mão: Lê Vương, Năm Thìn: Vũ Vương, Năm Tỵ: Ngô Vương, Năm Ngọ Bùi Vương, Năm Mùi: Phạm Vương, Năm Thân: Đỗ Vương, Năm Dậu: Hoàng (Huỳnh) Vương , Năm Tuất: Lý Vương, Năm Hợi: Phan Vương.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/xon-xao-khong-cung-ga-vao-giao-thua-2025-chuyen-gia-noi-gi-2074710.html
...