Vì sao từ năm 2025 đến 2032 không có ngày 30 Tết?
Việc tháng Chạp của năm nào đó có 29 hay 30 ngày không phải do sự sắp xếp chủ quan của người làm lịch, mà dựa vào xác định điểm sóc (tuần trăng).
Theo lịch vạn niên, năm Giáp Thìn 2024 sẽ kết thúc vào ngày 29 tháng Chạp, ứng với ngày 28/1/2025. Khoảnh khắc giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ đến khi giây phút cuối cùng của ngày 29 tháng Chạp Giáp Thìn qua đi. Mùng 1 Tết là ngày 29/1 Dương lịch.
Ất Tỵ 2025 là năm bắt đầu chuỗi 8 năm Âm lịch liên tiếp, tháng Chạp chỉ có 29 ngày, đến tận năm 2032. Sang tận Tết Nguyên đán Quý Sửu 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết. Sự vắng bóng của ngày 30 Tết suốt nhiều năm khiến nhiều người thắc mắc, liệu có quy luật nào trong hiện tượng này không?
Anh Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, việc tháng Chạp của năm nào đó có 29 hay 30 ngày không phải do sự sắp xếp chủ quan của người làm lịch, mà dựa vào xác định điểm sóc. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng độ dài một tháng âm lịch được quy ước giống như tháng dương lịch, trong khi thực ra nó phụ thuộc vào thực tế. Đó vừa là yếu tố phi quy ước và khó dự tính, nhưng cũng vừa là yếu tố quan trọng đảm bảo tính chính xác của âm lịch nước ta, vượt trội hơn các loại âm lịch quy ước khác trên thế giới. Một tháng âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của Mặt Trăng từ không Trăng, Trăng lưỡi liềm, Trăng bán nguyệt, Trăng khuyết, Trăng tròn và ngược lại. Mỗi tháng bắt đầu vào ngày không Trăng, tức là ngày mà Mặt Trăng ở cùng phía với Mặt Trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch.
Thời gian từ điểm sóc này tới điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Đó là do quỹ đạo của Trái Đđất quanh Mặt Trời và quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất là hình bầu dục chứ không tròn, nên tốc độ di chuyển của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời không đều, khiến cho thời gian để chúng gặp lại nhau (gọi là giao hội) hàng tháng không bằng nhau.
Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Hệ quả là từ điểm sóc này (tính là ngày mùng 1) tới điểm sóc tiếp theo có thể rơi vào ngày thứ 30 hoặc sang ngày thứ 31. Ngày này trở thành ngày mùng 1 tháng tiếp theo và tháng trước đó tương ứng sẽ có 29 hoặc 30 ngày (gọi là tháng thiếu hoặc đủ).
Theo ThS Trần Tiến Bình, sự xuất hiện các năm không có ngày 30 tháng Chạp không theo quy luật nhất định, do việc tính toán lịch dựa theo sự chuyển động của các thiên thể và Mặt trăng rất phức tạp. Mặt trăng bị ảnh hưởng nhiễu loạn bởi sức hút của Mặt trời, Trái đất và nhiều hành tinh khác, dẫn đến điểm sóc - liên quan đến tháng thiếu, tháng đủ - cũng dao động không theo chu kỳ nhất định nào.
Do đó, với câu hỏi vì sao từ năm 2025 đến 2032, tức suốt 8 năm liền kể từ 2025, Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết, chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, vì những năm đó điểm sóc của tháng Chạp rơi vào ngày 29. Còn tại sao điểm sóc của tháng Chạp nhằm vào ngày 29 liên tiếp nhiều năm như vậy thì các nhà làm lịch cũng không giải thích được.
Việc các đài thiên văn tính toán sai vài chục giây cũng có thể khiến tháng thiếu thành tháng đủ và ngược lại. Ngay cả Đài thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc) cũng nhầm trong ấn phẩm lịch công bố năm 2002. Vào ngày 28/9/2057, điểm sóc rơi vào 23h59; ngày 4/9/2089, điểm sóc rơi vào 23h57; ngày 7/8/2097, điểm sóc rơi vào 23h59, nhưng do các nhà thiên văn tính nhầm vài chục giây, đẩy điểm sóc sang ngày hôm sau, làm thay đổi độ dài tháng.
Ông Bình cho biết, vì lịch tính theo Mặt Trăng khó dự đoán như vậy nên việc thống kê quy luật các tháng Chạp đủ 30 ngày là không khả thi. Lịch các năm phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn từ 2033 đến 2037 có các tháng Chạp đủ, từ 2038 đến 2040 là các tháng Chạp thiếu, đến 2041 lại có tháng Chạp đủ.