KHÁM PHÁ

Tết hàn thực cúng gì cho đầy đủ mà không quá cầu kỳ?

04/04/2019 - 15:00

Tùy vào điều kiện và sự chuẩn bị của mỗi gia đình nhưng Tết hàn thực cúng gì cũng không thể thiếu mâm lễ đặc trưng của ngày này.

Theo phong tục xưa, Tết hàn thực có nghĩa là Tết ăn đồ lạnh, bắt nguồn từ truyền thuyết Trung Quốc khi vua Tấn Văn Công ban lệnh vào ngày 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm, dân phải kiêng đốt lửa, chỉ được ăn đồ nguội để tưởng nhớ trung thần phò tá 19 năm trời - Giới Tử Thôi. Vì vua định đốt rừng để ép Giới Tử Thôi quay về triều nhưng không ngờ ông lại không đi, cuối cùng bị chết cháy.

Vì có sự giao lưu văn hóa lâu đời với Trung Hoa nên văn hóa nước ta ít nhiều cũng ảnh hưởng Tết Hàn thực. Tuy nhiên, khi du nhập vào nước ta, lễ cúng Tết hàn thực không còn mang ý nghĩa đó mà gắn liền với cái tên dân dã: Tết bánh trôi, bánh chay để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Có thể nói, Tết hàn thực mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.

 

 

Tết hàn thực có ý nghĩa riêng và khi cúng nên biết Tết hàn thực cúng gì

Trong đó, mâm lễ cúng Tết Hàn thực của người Việt có những món đặc trưng sau:

Bánh trôi, bánh chay

Đây là món truyền thống không thể thiếu trong Tết hàn thực bởi bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho sản vật của mùa lúa chín.

 

 

Bánh trôi, bánh chay là món truyền thống không thể thiếu trong Tết hàn thực

Cách làm bánh trôi, bánh chay khá đơn giản nhưng để bánh ngon thì nên chọn nếp cái hoa vàng, cứ chín phần nếp thì trộn một phần tẻ.

Cả bánh trôi và bánh chay đều làm bằng bột gạo nếp nhưng mỗi loại lại có hương vị đặc biệt riêng và hấp dẫn.

Trong ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch Các gia đình làm bánh trôi bánh chay cúng ông bà, tổ tiên nhằm thể hiện tấm lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Thậm chí nhiều nơi làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. 

Và cứ đến ngày Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 hàng năm, người Việt lại bận rộchuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay.  Cần lưu ý, chỉ nên đặt 3 (hoặc 5) bát bánh trôi, bánh chay trong lễ cúng vì ông cha ta quan niệm số lẻ là số tâm linh, tượng trưng cho may mắn.

Mâm ngũ quả

 

 

Mâm cúng Tết hàn thực cần có mâm ngũ quả

Cũng như các lễ cúng truyền thống, mâm cúng Tết hàn thực cũng cần có mâm ngũ quả.

Tốt nhất nên chọn 5 loại trái cây tươi ngon có màu sắc khác nhau như đỏ, xanh, vàng... để đại diện cho ngũ hành. 

Ly nước sạch

Nước là biểu hiện cho tâm của gia chủ và không thể thiếu trên bàn thờ lễ Phật hoặc gia tiên.

Nên lấy nước sạch, không gợn đục, vấy bẩn, đựng trong ly nước cúng riêng.

Hương, hoa, trầu cau

Tết hàn thực cúng gì, dù đơn giản hay cầu kỳ thì nén hương, hoa tươi và trầu cau cũng nên có trên bàn thờ.

 

 

Chuẩn bị trầu cau để cúng Tết hàn thực

Đây là những thứ không thể thiếu trong lễ cúng Tết hàn thực của người Việt ta. Nếu có điều kiện, mỗi gia đình có thể bày biện thêm hoa quả, bánh trái khác để thể hiện lòng thành kính đến ông bà tổ tiên.

Ngoài mâm cúng có những món đặc trưng trên, gia chủ cũng nên lưu ý ghi nhớ văn khấn cúng Tết hàn thực đàng hoàng để lễ cúng được đầy đủ, trọn vẹn hơn. Dân gian còn lưu truyền văn khấn riêng để đọc khi khấn tế cúng ngày Tết hàn thực.

Tuy không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, cầu kì, tốn kém nhưng Tết hàn thực có ý nghĩa riêng và khi cúng nên biết Tết hàn thực cúng gì. Với mâm lễ có đầy đủ những món đặc trưng cùng lòng thành tâm, hiếu kính dâng bánh trôi, bánh chay lên bàn thờ ông bà, tổ tiên, mỗi gia đình sẽ có một năm đủ đầy, đạt được mọi sự bình an, hạnh phúc.

Theo Phụ Nữ Sức Khỏe - Báo Gia Đình Việt Nam
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/tet-han-thuc-cung-gi-cho-day-du-ma-khong-qua-cau-ky-c37a310862.html
...