Hướng xây nhà đón vượng khí được người xưa rất coi trọng
Theo quan niệm của người xưa, đâu là hướng nhà "đẹp", đón tài lộc và vượng khí quanh năm?
Ở Trung Quốc, khi xây nhà, việc tính hướng đóng vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự hưng thịnh, thái hòa bền lâu của gia chủ.
Bất cứ ai từng nghiên cứu về Trung Quốc hay kiến trúc cổ Trung Quốc đều biết rằng hầu hết các công trình kiến trúc từ cổ chí kim của Trung Quốc đều "tọa Bắc hướng Nam", đặc biệt là các cung điện của vua chúa thời xưa. Ngay cả trong lăng mộ của một số vị hoàng đế, bia mộ của họ luôn hướng về phía Nam.
Trước khi tìm hiểu rõ vì sao người Trung Quốc xưa rất coi trọng hướng xây nhà "đẹp" này, ta cần làm rõ cách mà họ sử dụng để xác định hướng của một ngôi nhà là như thế nào:
Khi bạn đứng đối diện với cửa chính (cửa ra vào) của ngôi nhà, thì hướng mà bạn đang nhìn về chính là hướng vị trí mà ngôi nhà "tọa", còn hướng đối diện của "tọa" mới là "hướng" của ngôi nhà. Như vậy, nhà hướng Nam có nghĩa là nhà nằm/tọa ở hướng Bắc và cửa hướng về phía Nam (gọi tắt là tọa Bắc hướng Nam).
Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có tổng diện tích 720.000 mét vuông, với diện tích xây dựng là 150.000 mét vuông. Có hơn 70 cung điện các loại và hơn 9.000 ngôi nhà lớn nhỏ khác nhau tại đây.
Những tòa nhà này có hình thức và chức năng khác nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Tuy nhiên, Tử Cấm Thành có một điểm chung, đó là toàn bộ hướng về phía Nam.
Đối với một thành phố, đặc biệt là vùng đất được chọn làm kinh đô thì điều quan trọng là phải tìm đúng hướng của nó.
Triều Thác (200 TCN-154 TCN), một sử gia nổi tiếng thời Tây Hán đã có cái nhìn sâu sắc, độc đáo về hướng của một vùng đất trước khi lựa chọn làm kinh đô. Ông tin rằng "Bắc là âm, Nam là dương. Núi ở phía Bắc và nước ở phía Nam là âm; núi ở phía Nam và nước phía Bắc là dương. Nơi có phong thủy tốt phải là nơi âm dương hòa hợp".
Thành Trường An - kinh đô nghìn năm tuổi có nhiều triều đại nhất, lâu đời nhất và có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử Trung Hoa - là vùng đất hội tụ đủ âm dương hòa hợp đó.
Trường An nằm ở giữa bình nguyên Quan Trung, được mệnh danh là "Thành phố vàng ngàn dặm" và "Vùng đất trù phú". 13 triều đại phong kiến Trung Quốc đã lập kinh đô của họ ở đây từ thế kỷ 11 TCN đến thế kỷ thứ 10 SCN, tức là từ thời Tây Chu đến thời nhà Đường. Là hình mẫu của cố đô, Trường An đã tạo nên một nền văn minh cổ đại huy hoàng, có tác động sâu sắc trên toàn thế giới. Văn hóa Trường An chính là "xương sống" của văn hóa Trung Quốc.
Kinh đô sớm nhất của thế giới phương Đông (là Trường An) cùng với Rome (Ý), Cairo (Ai Cập) và Athens (Hy Lạp) được sử gia đánh giá là "Tứ đại kinh đô thế giới cổ đại".
Nhờ bố cục chặt chẽ, vuông vức cộng với cách xây dựng hợp phong thủy đến độ gần như hoàn hảo, Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây) trở thành một vùng đất đại diện xuất sắc cho lịch sử kiến trúc cổ đại của Trung Hoa.
Trong phong thủy nhà ở, việc xây dựng nhà ở lại càng đặc biệt hơn. Quy tắc xây nhà tọa Bắc hướng Nam được người Trung Quốc xưa rất tôn sùng, coi trọng.
Họ quan niệm, xây nhà hướng Nam là hướng tốt lành nhất, không những giúp gia chủ khỏe mạnh mà còn quanh năm nhận được vượng khí, tài lộc tốt lành. Ngay cả những gia đình bình thường cũng không được phép xây nhà trái quy tắc hướng này.
Trên thực tế, những phong tục, văn hóa được người Trung Quốc xưa truyền bá đến nay không hẳn là mê tín thời phong kiến. Xét dưới góc độ khoa học, những quy tắc này thậm chí còn phản ánh kinh nghiệm sống và trí tuệ đỉnh cao của người xưa về phong thủy nhà ở và công trình.
Chiếu theo quy luật Mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây, các ngôi nhà/công trình hướng về phía Nam có thể dễ dàng hấp thụ ánh sáng Mặt trời, giúp giữ ấm vào mùa Đông và làm mát vào mùa Hè. Tại sao lại vậy?
Chịu ảnh hưởng của địa hình, Trung Quốc có khí hậu gió mùa. Vào mùa Hè, bão từ Thái Bình Dương mang theo gió lạnh và mưa về phía Bắc. Vào mùa Đông, dòng lạnh bắt nguồn từ Siberia di chuyển về phía Nam xen lẫn gió bắc và tuyết rơi. Do đó, ngôi nhà hướng Nam có thể hấp thụ gió mát vào mùa Hè và hạ nhiệt độ phòng; đồng thời chặn gió lạnh vào mùa Đông, giữ ấm và đẩy lùi cái lạnh.
Ngoài ra, vào mùa Đông, góc nắng nhỏ hơn, cửa ra vào và cửa sổ hướng về phía Nam của ngôi nhà có thể đón nhiều ánh sáng Mặt trời hơn, điều này có lợi cho việc tăng nhiệt độ trong nhà. Vào mùa Hè, góc nắng lớn hơn và ngôi nhà có thể chắn một phần ánh nắng Mặt trời, do đó làm giảm nhiệt độ (làm mát) trong nhà.
Các nhà khoa học hiện đại cho biết, ánh sáng Mặt trời có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D trong cơ thể con người và ngăn ngừa sự xuất hiện bệnh còi xương ở trẻ em. Tia cực tím trong ánh sáng Mặt trời có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt là chống lại các vi trùng gây bệnh về đường hô hấp. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng Mặt trời cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch của con người.
Tất cả những điều này cho thấy, kinh nghiệm xây nhà "tọa Bắc hướng Nam" của người xưa đúng như thế nào khi xét dưới góc độ khoa học.
*Bài viết mang tính chất tham khảo