Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?
Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.
Miễn sao có tấm lòng thành
Ông Công ông Táo là các vị thần bếp (hay còn gọi là thần Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Thần Táo quân gồm ba vị định đoạt phước cho gia đình: Một bà Táo và hai ông Táo (gồm Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần và Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân).
Theo quan niệm dân gian, hàng năm, cứ đến 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Và không biết từ bao giờ, người ta cho rằng, sau 12h trưa là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.
Vì vậy, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
Tuy nhiên GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam lại đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược và cho rằng, quan niệm dân gian như trên là không có cơ sở và chưa phù hợp với tín ngưỡng.
Ông cho biết: "Theo vòng quay thời gian, khi còn khoảng 7 ngày nữa là đến năm mới, tức ngày 23 tháng Chạp, là thời điểm đẹp nhất để người dân làm mâm cơm cúng, mời ông Công ông Táo ăn bữa cơm đó rồi cưỡi cá chép bay về trời. Vào buổi sáng, gia chủ sẽ thắp hương xin phép để lau dọn bàn thờ tổ tiên, đến buổi chiều sẽ làm mâm cơm cúng. Thời điểm cúng tốt nhất là vào lúc chiều tối 23 tháng Chạp, thời điểm giao thời giữa ngày và đêm. Khi hóa cũng phải vào thời điểm nhập nhẹm tối, chân hương, tiền vàng, cá chép giấy sẽ được hóa cùng mũ áo để ông Công, ông Táo cưỡi cá chép bay lên trời".
Trên tinh thần văn hóa tín ngưỡng, GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn thời điểm cúng ông Công, ông Táo khác nhau, miễn sao là có tấm lòng thành.
Cách phóng sinh cá chép
Cùng với quan niệm cúng lễ vào trước 12h trưa 23 tháng Chạp thì việc phóng sinh cá chép cũng được cho rằng cần thực hiện trước thời điểm này với ý nghĩa "để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời".
Tuy nhiên với quan điểm như GS-TS Nguyễn Chí Bền ở trên thì thời gian phóng sinh cá chép cũng không còn gò bó nữa. Chỉ có điều, cách thả cả người dân nên lưu tâm để vừa đảm bảo nét đẹp tâm linh vừa giữ gìn vệ sinh môi trường.
Khi thả cá chép, chúng ta nhất thiết phải làm với tấm lòng thành kính, hướng tới những ý nghĩa cao đẹp. Cách thả đúng nhất là dùng hai tay, đưa cá sát mặt nước mới được thả xuống. Nếu ném từ trên cao, cá chép khó lòng mà sống được, còn nếu sống chắc chắn cũng thành tật.
Thêm vào đó, hành động này còn đi ngược với đạo lý Phật giáo. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, có những người mua một số lượng lớn cá chép với mong muốn càng phóng sinh nhiều, gia đình sẽ càng hưởng lộc và sung túc hơn. Đây cũng chỉ là quan niệm tự phát chứ chưa có ai chứng minh.
Thực tế, tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo đồng thời thể hiện sự từ bi của người Việt. Nếu xét về mặt sinh học, đây có thể coi là hành động nhân giống cho cá chép sinh sôi nảy nở. Vì vậy, mọi người không nên đặt nặng vấn đề lợi lộc cho bản thân.