GIA ĐÌNH

Vì sao vợ chồng không còn muốn nói chuyện với nhau?

15/04/2024 - 13:30

Những cuộc hôn nhân thành công đều nhờ vào sự giao tiếp lành mạnh, lắng nghe lẫn nhau. Nhưng cũng có khi cặp đôi trải qua giai đoạn... giả câm giả điếc.

 Sự mất giao tiếp trong quan hệ vợ chồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. (Ảnh: ITN). 

 Sự mất giao tiếp trong quan hệ vợ chồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. (Ảnh: ITN). 

Avigail Lev, chuyên gia tâm lý nổi tiếng tại New York, cho biết: “Sự mất kết nối giữa vợ chồng là chuyện bình thường, theo đó, vợ hoặc chồng có xu hướng đổ lỗi, tấn công và mất kiểm soát cảm xúc do cảm giác không được lắng nghe trong một thời gian dài”.

Sự mất giao tiếp trong quan hệ vợ chồng có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Các yếu tố góp phần phổ biến bao gồm phương thức truyền đạt của bạn (hoặc đối tác của bạn), các vấn đề cá nhân khiến một trong hai người không thể hoặc không muốn lắng nghe hoặc sự kết hợp nào đó của các yếu tố này.

Nếu mối quan hệ của bạn rơi vào tình huống này, bạn cần phải phải trung thực và tử tế, nghĩa là bạn có thể nói những gì bạn muốn nhưng không nên làm tổn thương đối tác của mình.

Dưới đây là những vấn đề phổ biến trong cách giao tiếp của bạn có thể khiến đối tác không quan tâm đến bạn nữa.

Nói và giải thích quá nhiều

Bạn có thể mất quá nhiều thời gian để nói những gì bạn muốn. Khi chúng ta lo lắng hoặc mong đợi một phản ứng hoặc xung đột tiêu cực, chúng ta trở nên dài dòng hơn mức cần thiết. Điều này gây khó chịu hoặc nhàm chán cho đối phương. Thậm chí ý đồ tốt của bạn có thể phản tác dụng chỉ vì sự diễn đạt quá dài dòng.

Dĩ nhiên, một người bạn đời yêu thương cần có đủ kiên nhẫn để nghe những gì bạn đang muốn bày tỏ.

Độc chiếm cuộc trò chuyện

Vợ/chồng của bạn sẽ muốn bỏ cuộc nếu họ hiếm khi được làm chủ cuộc trò chuyện. Trong nỗ lực khiến bạn đời lắng nghe, bạn có thể vô tình độc chiếm các cuộc trò chuyện. Trong khi thực tế là những cuộc trò chuyện hữu ích cho phép cả hai người cùng đóng góp.

Vì vậy, hãy xem xét lại cách bạn lắng nghe khi đối phương đang thảo luận về một chủ đề quan trọng. Hãy làm mẫu cách lắng nghe mà bạn muốn thấy từ đối tác của mình, rất có thể họ sẽ làm theo bạn.

Bình luận gây tổn thương

Nếu bạn có thói quen nói những điều gây tổn thương, xúc phạm, đe dọa, xua đuổi hoặc thiếu tôn trọng ý kiến, niềm tin và cảm xúc của đối phương, phản ứng của cô ấy/anh ấy có thể là không muốn nghe những gì bạn nói.

Tương tự như vậy, nếu cuộc trò chuyện của bạn có xu hướng nhanh chóng leo thang thành những cuộc tranh cãi căng thẳng, đối phương sẽ trở nên phòng thủ, tức giận hoặc mất kiểm soát trong khi trò chuyện.

Họ cũng không hứng thú tham gia vào cuộc nói chuyện của bạn nhằm tránh nói những điều tiêu cực hoặc gây tổn thương cho bạn.

Lý tưởng nhất là cả hai bạn cùng hướng tới những cuộc trò chuyện chân thành, nơi cả hai nói lên suy nghĩ của mình mà không tỏ ra tiêu cực.

Động cơ thầm kín

Tránh tỏ ra lôi kéo hoặc hung hăng thụ động và lưu ý rằng vợ/chồng của bạn có thể cảm thấy như bạn đang cố ý lợi dụng họ. Ngay cả khi bạn không cố ý, điều quan trọng vẫn là đảm bảo bày tỏ thẳng thắn.

Dạy bảo

Phong cách nói chuyện giống như thuyết giảng hoặc chất vấn có thể khiến vợ/chồng bạn không muốn lắng nghe. Đôi khi bạn cảm thấy không được lắng nghe và bị phớt lờ, đó là vì chính bạn đã tự đặt mình vào vai trò “giáo viên” hoặc “sếp”.

Thực tế, trong quan hệ hôn nhân, việc dạy bảo có thể gây ra sự oán giận. Thay vào đó, hãy giải thích rõ ràng mối quan tâm hoặc câu hỏi của bạn mà không khẳng định rằng bạn là người biết rõ nhất. Sau đó, hãy để đối tác của bạn lên tiếng.

Chọn sai thời điểm

Một lý do quan trọng khác khiến vợ/chồng của bạn đành phải giả câm giả điếc là khi bạn có thói quen phản ứng quá mức khi trò chuyện. (Ảnh: ITN).

Một lý do quan trọng khác khiến vợ/chồng của bạn đành phải giả câm giả điếc là khi bạn có thói quen phản ứng quá mức khi trò chuyện. (Ảnh: ITN).

Vợ/chồng của bạn có thể sẽ không chăm chú lắng nghe khi đang mệt mỏi, căng thẳng, bận tâm với những suy nghĩ khác, hoặc đang vội vàng với việc khác.

Trong trường hợp này, hãy nói với cô ấy/anh ấy rằng bạn muốn trò chuyện và hỏi xem đây có phải là thời điểm thích hợp không. Nếu vợ/chồng của bạn nói không, hãy tôn trọng điều đó và sắp xếp một thời điểm phù hợp hơn.

Phản ứng quá mức

Một lý do quan trọng khác khiến vợ/chồng của bạn đành phải giả câm giả điếc là khi bạn có thói quen phản ứng quá mức khi trò chuyện.

Họ có thể nghĩ rằng bạn cố gắng ép họ hoặc cho rằng cuộc nói chuyện của bạn có xu hướng nhanh chóng chuyển từ thảo luận bình tĩnh sang tranh luận.

Không lắng nghe có thể là cách họ đối phó hoặc cố gắng tránh những cuộc đấu tranh mang tính phản ứng này.

Nếu bạn thấy mình gặp khó khăn để giữ bình tĩnh, hãy thử hít một hơi trước khi nói hoặc thử đếm đến 10 trong đầu trong khi tìm ra điều bạn thực sự muốn nói, và cân nhắc những ý nghĩa thay thế cho những gì bạn vừa nghe từ đối phương trước khi chuyển sang kết luận.

Hãy tạm dừng và nghỉ ngơi nếu một trong hai bạn quá tức giận. Đừng bao giờ quên hai bạn là vợ chồng và là một gia đình.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/vi-sao-vo-chong-khong-con-muon-noi-chuyen-voi-nhau-1979243.html
...