Hành trang cho già bệnh
Chặng cuối của cuộc đời là già bệnh và chết, ai rồi cũng phải đi qua. Đối diện với cửa tử, ta chỉ có già bệnh và khối nghiệp cả đời tích tụ đồng thời gần như bất lực trước thân phận.
Nhận thức như vậy có thể gây buồn chán cho người trẻ nhưng tuyệt không bi quan, yếm thế hay tiêu cực vì đó là sự thật. Ngược lại, thấy ra sự thật của kiếp người có thể giúp ta sống hướng thiện và tích cực hơn.
Kết quả cuối cùng của một kiếp người là gì, tùy thuộc quan niệm của mỗi người. Đạo Phật cho rằng, cuối cùng thì con người đã tích lũy được một khối nghiệp, là kết quả của những việc thiện ác đã làm. Nghiệp này được mang đến đời sau qua thức tái sinh. Nếu cuối đời mà tâm bị đốt cháy do tạo nhiều nghiệp ác thì gọi là pháp đốt cháy. Ngược lại, tâm thiện lành, không hối hận gì thì gọi là pháp không đốt cháy.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có pháp đốt cháy và pháp không đốt cháy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói. Thế nào là pháp đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào, hành pháp ác bất thiện, phạm giới; thân thành tựu ác hạnh; khẩu, ý thành tựu ác hạnh; người ấy về sau, khi khốn khổ bởi tật bệnh, nằm liệt trên giường, chịu nhiều đau đớn. Lúc bấy giờ, tất cả những việc làm ác trước kia người ấy đều nhớ lại hết. Cũng như bóng núi lớn che ánh mặt trời Tây; cũng vậy, chúng sinh trước kia đã tạo ra mọi điều ác, những pháp ác bất thiện do thân, khẩu, ý nghiệp, đến lúc lâm chung, tất cả đều hiện ra, tâm sinh hối hận: ‘Than ôi! Than ôi! Vì trước kia không tu thiện, chỉ làm ác, nên sẽ đọa vào đường dữ, chịu nhiều khổ đau’. Sau khi nhớ lại rồi, tâm bị đốt cháy, tâm sinh hối hận. Khi sinh tâm hối hận nên không được chết với tâm thiện; đời sau tâm bất thiện cũng tiếp nối sinh. Đó gọi là pháp đốt cháy.
- Thế nào gọi là pháp không đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào thọ trì tịnh giới, tu pháp chân thật, thân thành tựu nghiệp thiện; khẩu, ý thành tựu nghiệp thiện; khi lâm chung tuy thân gặp phải khổ nạn, nằm liệt trên giường bệnh, thân thể chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm người ấy nhớ lại pháp thiện trước kia đã tu; thân, khẩu và ý đã thành tựu thiện hạnh. Lúc bấy giờ, duyên vào những pháp thiện, người ấy nghĩ rằng: ‘Thân, khẩu, ý ta đã tạo ra thiện hạnh như vậy, không làm các điều ác, sẽ sinh về đường thiện, không đọa vào đường ác, tâm không có gì hối hận’. Do tâm không biến hối, nên mạng chung với thiện tâm, qua đời sau thiện vẫn tiếp tục. Đó gọi là pháp không đốt cháy”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 47, kinh 1244. Thiêu đốt)
Tu tập và bệnh tật
Lời bàn:
Không dễ để nhận ra mọi thứ danh lợi đều không mang theo được trong chặng cuối cuộc đời để buông bớt. Phải có căn lành nhiều đời mới nhận ra được điều hết sức giản đơn này. Chúng ta cố nắm giữ cho đến khi nào bất lực, xuôi tay rồi mà tâm vẫn chưa buông. Vì thế chúng ta mãi bị lửa tham ái dục thiêu đốt. Người xưa đã nói về “sinh thuận, tử an” như một giá trị sống của đời người. Chết trong bất an, tâm bị đốt cháy lúc cuối đời là một đau khổ lớn. Không chỉ kiếp này mà cả kiếp kế tiếp cũng chịu nhiều đau khổ.
Tham muốn thì vô vàn, chung quy không ngoài dục ái lợi và danh. Dĩ nhiên lợi và danh chính đáng là hạnh phúc. Nhưng bất chấp để có được và cố giữ không bỏ thì không nên. Thành ra, người thực sự trưởng thành cần suy ngẫm về lúc cuối đời. Chết là hết! Chấm dứt mọi thứ. Giả như thuyết này đúng thì nắm giữ cho nhiều cũng chẳng ích gì. Chết là còn! Có tái sinh đời sau, vậy cái gì đi tái sinh và tái sinh vào đâu? Suy ngẫm thấu đáo về những điều này sẽ giúp ta có định hướng sống tích cực.
Cuối đời, nhận ra những lỗi lầm quá khứ thì đã sám hối rồi. Những gì không mang theo được thì buông bớt. Lợi danh không mang theo được nên chẳng bám víu nhiều. Cho ai được thì cho, tặng gì được thì tặng. Khổ đau mình phải gánh chịu cũng buông bỏ, tha thứ. Hoan hỷ với những điều tốt đẹp mà mình đã làm được, không có gì phải hối hận về lỗi lầm. Lòng nhẹ tênh thì sẽ ra đi thanh thản, nghiệp nhẹ thì càng lên cao. Đức Phật gọi đó là pháp không đốt cháy.