Giá trị hơi thở
“Quay về nương tựa, hải đảo tự thân. Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần. Hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm. Năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần. Thở vào thở ra, là hoa tươi mát, là núi vững vàng, nước tĩnh lặng chiếu, không gian thênh thang”.
Có khi nào quý vị ngồi thật yên tập thở, tạm gác lại những suy nghĩ và công việc hay không? Chúng ta chỉ ngồi thật yên trong chính giây phút ấy và quay về cảm nhận từng nhịp đập con tim, từng hơi thở đang vào ra nơi phổi và song mũi, cảm nhận từng cảm giác dễ chịu và khó chịu trong chính thân tâm của mình từ trên đỉnh đầu cho đến từng ngón tay, từng sợi tóc hay chưa?
Quý vị hãy tập thử ở một mình và ngồi yên và thực tập điều ấy, quý vị cảm nhận được điều vi diệu sẽ đến. Và đó cũng chính là chạm được sự sống, hiểu và thương cho thân tâm mình nhiều hơn.

Hãy thở – cảm nhận hơi thở và nhận ra đã từ lâu, chúng ta lãng quên một điều vô cùng quý báu: “Mỗi hơi thở là một nụ cười. Thở vào thở ra…”.
Quý vị thử nhớ lại xem có những lần nóng giận, tức tối hay cãi vã chuyện gì đó với người khác, điều gì khiến mình bình tĩnh và kiềm chế được cơn giận hay ngừng lại được điều đáng tiếc trước khi nó xảy ra? Chính là “hơi thở”! Có thể tự mình nhẫn nhịn hoặc do có ai kiềm chế mình lại. Ngay trong lúc đang kiềm chế thì hơi thở vô cùng quan trọng. Hơi thở là hạt nhân chính giúp ta điều tiết cơn giận trở lại mức cân bằng của bình thường. Tuy trong thời điểm đó hơi thở có thể hơi gấp, hơi dồn dập, nhưng mình vẫn thành công với hơi thở vì nó đã giúp chúng ta nhịn được một câu nói sốc, một hành động khó ưa, một thái độ khó chịu… Hãy thử tưởng tượng nếu trong lúc đó hơi thở chúng ta không tốt, không kiểm soát được hơi thở; nó cũng không chịu hợp tác để điều tiết trạng thái của cơ thể, thì hơi thở dồn dập đến quá mức chịu đựng của cơ thể, cơn giận đẩy hơi thở đi quá giới hạn của nó, dẫn đến không kiểm soát được nhịp đập của tim, phổi và hệ thống tuần hoàn máu; não bị ức chế, chấn động mạnh do cảm xúc khó chịu chi phối, có thể dẫn đến tử vong do xúc động quá hay đứng tim mà chết.
Rất may là chúng ta có tu tập, nhận diện được cơn giận đang tới. Lúc đó, việc cấp bách nhất để cứu lấy bản thân chính là trở về với hơi thở, điều tiết cảm xúc ngay trong lúc ấy. Từng hơi thở quý giá như dòng nước mát, tưới tẩm lên tâm hồn đang bốc cháy hừng hực bởi cơn giận và điều trái tai nghịch lòng mà người khác gieo rắc vào tâm hồn mình. Chỉ cần nhận diện được ngay thời điểm ấy chúng ta đang sống với tâm gì, thì hơi thở chính là liều thuốc tối quan trọng để đưa ta trở về trạng thái cân bằng của chính nó sẵn có.
Bước kế tiếp, hơi thở dần dần lấy lại sự cân bằng. Hơi thở nhẹ nhàng hơn, đều đặn, chậm rãi hơn. Trong chính lúc ấy, trái tim cũng sẽ có nhịp đập ổn định. Não bắt đầu bớt căng thẳng. Ta nhận ra rằng cơn giận đã qua, hay chỉ còn rất ít trong khả năng có thể kiểm soát và chuyển hóa được. Và thực tế đã cho thấy, có những cụ bà năm sáu mươi tuổi, vừa nghe con cháu bị tai nạn, quá sốc, bị đứng tim mà chết hay ngất xỉu. Hay những anh thanh niên chỉ vì một va chạm nhẹ trên đường đã không kiềm chế, đánh nhau đầy thương tích. Có những cô gái vì sống quá thiên về cảm xúc, không làm chủ cảm xúc trong những lúc đau khổ tuyệt vọng, đã sẵn sàng lấy cái chết để giải tỏa hoặc kết thúc nỗi khổ niềm đau hiện tại… Mà hầu hết những người này đều không nhận ra rằng tất cả chỉ là cảm xúc nhất thời, mà đỉnh cao của nó chỉ kéo dài trong vòng mười đến mười lăm phút là chuyển sang cảm xúc khác hoặc giảm cường độ sau đó. Việc cần làm khi cảm xúc xuất hiện trong ý thức ta là nhận biết và cảm nhận nó đang đến như vậy là được, đừng để nó tạo ra ảo tưởng và bị nó cuốn đi trong cảm xúc sai lầm.
Quý vị hãy thử nhắm mắt lại trong vài giây, nhớ lại xem trong lúc mình buồn, lúc mình giận, lúc mình khổ đau… nói chung là có cảm xúc về một vấn đề nào đó (đa số là cảm xúc tiêu cực), thì lúc nào trong suy nghĩ hay văng vẳng bên tai một lời nói nào đó, có thể là ủng hộ hay phản đối việc mình đang muốn làm hay muốn nghĩ. Chẳng hạn như đang giận người bạn A, trong tâm mình cứ vang lên những câu nói như: “Đó thấy chưa, chơi với nó tốt như vậy giờ nó đối xử tệ quá đó”; “Sao không đánh nó đi cho hả giận?”; “Mặc kệ nó đi, sống chết kệ nó, đừng quan tâm nữa...”. Lúc ấy, mình bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực, bị cuốn theo những lầm tưởng đưa đến nhiều tác hại cho mình và cho người.
Vậy rõ ràng người biết tu tập, khi gặp chuyện khổ đau, sân giận, phiền lòng… sẽ trở về dùng hơi thở để điều tiết cơn giận hay cảm xúc khác của mình, đồng thời dùng tư duy tích cực để tâm hồn mình không bị những tư duy tiêu cực chi phối. Đó cũng chính là giá trị của hơi thở mang lại trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
- Thứ nhất, hơi thở không thể thiếu với con người và những loài chúng sinh hữu tình.
- Thứ hai, hơi thở là tinh hoa của mỗi cá nhân. Hạnh phúc có hơi thở khác, buồn khổ có hơi thở khác, bình an có hơi thở khác…
- Thứ ba, chính hơi thở mang lại sự sống. Không có hơi thở thì không thể sống được.
- Thứ tư, hơi thở là liều thuốc hay đưa ta về chánh niệm, đưa ta trở về trạng thái cân bằng sau tất cả cảm xúc.
Làm thế nào để có hơi thở an nhiên và khỏe mạnh?
Chúng ta hãy tập ngồi, tập thở, hít sâu, thở nhẹ nhàng từ từ, thong thả, cảm nhận từng cái phồng lên xẹp xuống của lồng ngực; cảm nhận từng luồng khí đi vào rồi lại đi ra từ phổi ra đến mũi. Sau đó, tập thở đều, vào – ra, ra – vào, không quá nhanh cũng không quá chậm. Lúc thực tập quen dần, chúng ta sẽ cảm nhận được điều vi diệu của hơi thở mang lại.
Ngoài mục đích duy trì sự sống, hơi thở còn mang lại được sự bình an và hạnh phúc trong từng giây phút sự sống diễn ra của bản thân. Hãy bắt đầu ngay sau khi chúng ta đọc bài này. Hãy thở – cảm nhận hơi thở và nhận ra đã từ lâu, chúng ta lãng quên một điều vô cùng quý báu: “Mỗi hơi thở là một nụ cười. Thở vào thở ra…”.