Đừng ngại nói lời yêu thương!
Đôi khi một lời nói thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm cũng đủ giải tỏa mâu thuẫn, đem lại niềm hạnh phúc vô bờ
"Mấy ngày đi công tác xa, hôm qua dù mệt, tôi vẫn quyết định về thăm ba mẹ. Vừa dẫn xe vào nhà, tôi đã thấy ba ngồi ở ghế salon, mắt ánh lên niềm vui. Mẹ hấp tấp từ bếp đi lên nói: "Ngày nào ba cũng hỏi khi nào con về rồi nhìn ra cửa ngóng".
Nhìn cách ba mẹ chào đón, tôi rưng rưng, chỉ muốn lao đến ôm, nói rằng tôi rất nhớ song thân nhưng cứ thấy ngại ngại" - chị T.T.T.D (38 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) kể.
Không dám tỏ bày
Theo chị D., là con gái lớn, ba mẹ đã có tuổi nên hầu như ngày nào chị cũng về thăm, ăn cùng bữa cơm trưa, phụ giúp công việc lặt vặt cho ông bà dù có người giúp việc. Ba mẹ cần gì, chỉ nói sơ qua là chị cố gắng đáp ứng, không nửa lời cằn nhằn. Ba mẹ chị thường tự hào khoe với bạn bè, người quen về sự chìu chuộng, chăm sóc chu đáo của con gái.
"Duy nhất việc nói lời yêu thương, biết ơn ba mẹ thì tôi không thể nói dù với tôi, ba mẹ là điều quý giá của cuộc đời mình. Có thể tính cách tôi cứng cỏi, cũng có thể lúc nhỏ không bày tỏ nên giờ ngại ngùng" - chị D. chia sẻ.
21 tuổi, N.T.M (Đà Nẵng) cho biết người mà anh thương yêu nhất là ba mẹ. Nhiều lần chứng kiến mẹ về đến nhà thở dốc sau một ngày quần quật ngoài chợ, hay nhìn cảnh ba chạy xe tải chở hàng bất kể ngày đêm, mưa bão để lo cho các con ăn học, anh lại càng thương.
Thế nhưng dù thấu hiểu nỗi cực khổ và dành nhiều tình cảm cho bậc sinh thành, chưa một lần T.M thốt ra trực tiếp những lời như: "Con thương mẹ lắm", "Con yêu ba lắm", "Con cám ơn ba mẹ"…
"Có người nói ba mẹ chứ có phải người xa lạ, công dưỡng dục, nuôi nấng khôn lớn, sao lại ngại? Nhưng dường như càng thân lại càng khó tỏ bày.
Tôi đã từng muốn thử một lần ôm ba mẹ và thủ thỉ về tình cảm của mình nhưng không làm được. Có thể vì là đàn ông, con trai nên khó thể hiện. Có thương, có yêu cũng chỉ giữ trong lòng, hoặc chủ động đỡ đần ba mẹ, hoặc thỉnh thoảng mua biếu ba mẹ món đồ mà họ thích…" - T.M tâm sự.
Chân thành là chất xúc tác
Thực tế không chỉ chị D. hay anh T.M mà rất nhiều người khác trong chúng ta có thể dễ dàng nói ra những lời khen ngợi, tán dương người khác ngoài xã hội nhưng lại ngại ngùng, do dự, vụng về, thậm chí không thốt được nên lời với những người thân yêu.
Lý giải điều này, chị Phạm Kim Nương (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) nói vấn đề nằm ở thói quen. Để lời yêu thương và những cử chỉ thể hiện tình yêu thương giữa những thành viên trong gia đình được tự nhiên, ngay từ khi con mới chào đời, ba mẹ nên thường xuyên bày tỏ tình cảm với con, dạy con nói lời yêu thương và duy trì thói quen ấy, dù con đã lớn.
"Hồi con còn nhỏ, mỗi sáng thức dậy, mỗi tối trước khi ngủ, vợ chồng tôi đều chào con bằng một nụ hôn và cái ôm siết chặt. Giờ con đã 25 tuổi, cả nhà vẫn giữ thói quen này.
Chúng tôi thường gọi nhau: "Mẹ yêu!", "Ba yêu", "Con yêu, Bé yêu!". Thỉnh thoảng lại "sến súa": "Sao nhớ bé yêu của mẹ quá!". Có thể vì vậy mà ít khi mọi người trong nhà giận nhau lâu. Tôi nghĩ khi chúng ta thường xuyên nói những lời yêu thương thì cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều" - chị N. bày tỏ.
Với gia đình chị Trần Thùy Linh (Hà Nội), tình cảm gia đình luôn là một nguồn năng lượng vô giá, giúp các thành viên gắn kết và vượt qua mọi thử thách. Trong đó, việc bày tỏ yêu thương qua lời nói, sự quan tâm đủ để giải tỏa mâu thuẫn và mang lại niềm hạnh phúc vô bờ.
"Cuộc sống hiện đại đầy hối hả, những lời yêu thương sẽ giúp làm nhẹ đi những lo toan và áp lực công việc. Chỉ là nhiều gia đình Việt Nam lại khó khăn trong việc nói ra lời yêu thương dù họ thật sự thương yêu nhau" - chị Linh nhận xét.
Chia sẻ kinh nghiệm, chị Linh cho rằng việc thường xuyên bày tỏ sự âu yếm, nói lời ngọt ngào giữa vợ chồng, con cái một cách tự nhiên, chân thành là chất xúc tác vô cùng quan trọng để gắn kết gia đình ngày một bền chặt.
"Cứ ngại ngùng, hay sợ sến mà không nói ra thì chẳng bao giờ dám nói cả. Bạn thử mạnh dạn một lần bày tỏ tình cảm trực tiếp xem sao. Bằng tất cả tình cảm dành cho ba mẹ, vợ chồng, con cái và sự can đảm, hãy ôm chặt lấy họ, nói lời yêu thương chân thành.
Chắc rằng người thân của bạn sẽ vô cùng xúc động, hạnh phúc. Đôi khi điều đó làm biến chuyển những mối quan hệ đã nguội lạnh, hàn gắn sự tổn thương vì một hiểu lầm nào đó" - chị Linh gợi ý.