Đề nghị truy tố Tổng Giám đốc VEAM gây thất thoát 27 tỷ đồng
Các đối tượng đã mua 305 bộ khuôn dập về để tại nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay không có giá trị sử dụng, gây thất thoát, lãng phí gần 27 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 2 bị can.
Hai bị can gồm: Nguyễn Thanh Giang (SN 1949, cựu Tổng Giám đốc VEAM); Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963, cựu Trưởng phòng Kỹ thuật của VEAM) cùng bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo điều tra, VEAM là đơn vị có vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công thương. Căn cứ quy định của pháp luật và điều lệ của VEAM, việc đầu tư mua sắm tài sản cố định phải có trong kế hoạch kinh doanh hằng năm, hoặc xây dựng kế hoạch đầu tư trình Hội đồng quản trị quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, trong các năm 2005 và 2011, bị can Nguyễn Thanh Giang đã tự quyết định mua 305 bộ khuôn dập các chi tiết của cabin ô tô từ nước ngoài, chỉ đạo Hồ Mạnh Tuấn hợp thức hóa hành vi vi phạm.
Kết quả điều tra xác định, 305 bộ khuôn dập được mua về để tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay không có giá trị sử dụng. Hành vi này gây thất thoát, lãng phí cho VEAM số tiền gần 27 tỷ đồng. Ngoài vụ án này, ông Giang còn bị cáo buộc có liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất gần 9.000m2 tại số 220 đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP HCM.
Từ trước đến nay, nhiều cựu lãnh đạo của VEAM bị điều tra do liên quan đến một số vụ án hình sự. Điển hình như ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tháng 5/2022, Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử và tuyên phạt ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM) mức án 11 năm tù, ông Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM) 8 năm tù. Họ bị xác định có những sai phạm gây thiệt hại cho công ty tổng cộng hơn 180 tỷ đồng.