Để mỗi ngày đời sống ta trở nên hồn nhiên
Chúng ta thấy trẻ em hồn nhiên là bởi vì chúng cũng dễ buông. Nhưng hồn nhiên của người sống thiền và hồn nhiên của trẻ em rất khác.
Người sống thiền là người có đôi mắt hồn nhiên, đôi tai hồn nhiên.
Đôi mắt hồn nhiên là vì người ấy thấy mà không dính.
Đôi tai hồn nhiên là vì nghe mà không vướng.
Để có được mắt, tai hồn nhiên thì tâm cũng phải trong suốt như tấm gương. Tấm gương phản chiếu mọi vật trước nó trọn vẹn, nhưng khi vật không còn thì gương luôn trở về trạng thái bản nhiên trong sáng.
Điều này không khác tâm của người sống thiền. Khi năng lực nhận biết có mặt, ngay nơi nhận biết đó xưa nay luôn trong suốt như tấm gương. Tâm pháp, sắc pháp đến đi đều rõ biết. Rõ biết mà không dính, không vướng.
Ngay nơi năng lực nhận biết thì thấy liền biết, nghe liền biết. Biết liền buông!
Buông xuống hết không phải là sự cố gắng buông, mà là tâm người sống thiền không dính. Không dính nên tự nó buông.
Chúng ta thấy trẻ em hồn nhiên là bởi vì chúng cũng dễ buông. Nhưng hồn nhiên của người sống thiền và hồn nhiên của trẻ em rất khác.
Hồn nhiên của trẻ em không có năng lực trọn vẹn nhận biết, hồn nhiên của người sống thiền luôn có năng lực của sự trọn vẹn nhận biết. Vậy để mỗi ngày đời sống ta trở nên hồn nhiên thì từng khoảnh khắc sống ta phải có sự trọn vẹn nhận và nhận biết.
Trọn vẹn và nhận biết
Hồn nhiên ta sống vui
Ngày qua không hối tiếc
Ngày tới luôn mỉm cười.