GIA ĐÌNH

Cha mẹ làm gì khi con yêu sớm?

06/12/2024 - 08:30

Thay vì cấm đoán hay áp đặt, cha mẹ nên trò chuyện cởi mở để thấu hiểu, hướng dẫn con một cách tích cực

Bị bạn gái chia tay, Bảo Quốc (13 tuổi; quận 7, TP HCM) buồn bã, không muốn ăn uống, học hành chểnh mảng.

Biết yêu

Đầu năm nay, Quốc để ý cô bạn cùng lớp và mạnh dạn tỏ tình bằng bó hoa đặt ở ngăn bàn cùng tin nhắn tình cảm qua mạng xã hội. Được cô bạn đồng ý hẹn hò, Quốc vui mừng kể với ba mẹ.

"Ba mẹ cười rồi nói em hôm nào rủ bạn đến nhà chơi. Ba mẹ khuyến khích em năng nổ trong các hoạt động để "ngầu" hơn trong mắt bạn gái, rủ bạn cùng học, giải bài tập. 

Nhưng ba mẹ cũng dặn dò tụi em tình yêu ở tuổi này phải có giới hạn nhất định vì còn nhỏ, quan trọng nhất vẫn là việc học. Em thấy mình may mắn hơn một số bạn, không bị ba mẹ cấm đoán mà còn rất thấu hiểu và tôn trọng tình cảm của tụi em" - Quốc chia sẻ.

Tuy nhiên, mối tình học sinh của Quốc chỉ kéo dài được vài tháng. Mấy hôm trước, bạn gái nói không muốn yêu nữa, chỉ muốn dành thời gian để học nên chủ động chia tay. 

"Em buồn và hụt hẫng lắm. Ba rủ em đi uống cà phê tâm sự. Nói chuyện với ba xong, nỗi buồn cũng vơi đi phần nào. Thấy thất tình không phải là chuyện gì ghê gớm" - Quốc kể.

Mới đây, Ngọc Hân (16 tuổi; TP Thủ Đức, TP HCM) bắt đầu hẹn hò công khai với bạn trai cùng trường. Ba mẹ của cả hai cũng không ai phản đối, cấm cản.

Hân và bạn trai chơi với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn, Hân cảm thấy rung động bởi cách ứng xử ga-lăng, hết lòng với bạn bè và tài đàn hát của cậu "nhóc" năm nào. Không ngờ người bạn đó cũng có tình cảm với Hân. 

"Tụi em công khai tình yêu vì không muốn giấu giếm người lớn. Cả hai xin phép ba mẹ để được quen nhau. Những lần đi chơi riêng cũng nói rõ với ba mẹ là đi đâu, mấy giờ về... Quan trọng là không vì vậy mà ảnh hưởng việc học, ngược lại phải cố gắng học tốt hơn để ba mẹ yên tâm" - Hân cho biết.

Không được "may mắn" như Quốc, Hân, Hoàng Minh (15 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM) bị gia đình phản đối gay gắt vì "con nít không lo học, bày đặt yêu đương nhăng nhít". 

Ba mẹ kiểm soát mọi tin nhắn qua lại của Minh và bạn bè, dọa "méc" thầy cô, "mắng vốn" cả bạn gái của Minh. Thậm chí trước đây, Minh được tự đi xe đạp đến trường thì bây giờ mẹ được "cắt cử" đưa đón Minh đi học mỗi ngày.

 "Ba mẹ gây cho em cảm giác mình đang phạm tội và không đáng tin cậy. Đôi khi em xấu hổ với bạn bè, bị xâm phạm quyền riêng tư vì sự kiểm soát gắt gao của ba mẹ. Em có bạn khác giới cũng là để chia sẻ những câu chuyện mà không thể nói với ba mẹ chứ có làm gì quá đáng đâu" - Minh thở dài buồn bã.

 Minh họa AI: Vy Thư

 Minh họa AI: Vy Thư

Lắng nghe và thấu hiểu

Theo thạc sĩ tâm lý hôn nhân và gia đình Nguyễn Phượng Uyên, tình yêu là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, nó có thể đến với chúng ta ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Khi con yêu sớm, cha mẹ thường cảm thấy lo lắng, băn khoăn, thậm chí là phản đối. Tuy nhiên, thay vì cấm đoán hay áp đặt, điều quan trọng là cha mẹ cần thấu hiểu và hướng dẫn con một cách tích cực.

"Ở độ tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu quan tâm đến những thay đổi trong cơ thể và cảm xúc của bản thân; cũng tò mò về tình yêu và muốn trải nghiệm những cảm xúc mới. Trẻ cần có những người bạn để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của mình. 

Khi yêu, trẻ tìm thấy sự kết nối và thấu hiểu từ người mình yêu. Hơn nữa, tác động của mạng xã hội, phim ảnh, sách báo hoặc câu chuyện giữa bạn bè cũng khiến trẻ yêu ngày một sớm" - chuyên gia Phượng Uyên phân tích.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Phượng Uyên, việc yêu sớm có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội; biết quan tâm, chia sẻ và hy sinh cho người khác; đồng thời trưởng thành về mặt tinh thần và cảm xúc. 

Tuy nhiên, việc yêu sớm cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ như có thể mất tập trung học tập do dành quá nhiều thời gian cho việc yêu đương; có thể có những hành vi nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, sử dụng chất kích thích… Hoặc tổn thương, mất niềm tin vào tình yêu nếu mối quan hệ không suôn sẻ.

"Dạy con yêu an toàn, lành mạnh và trách nhiệm để không làm tổn hại đến bản thân và người khác. Cũng để con hiểu tình yêu và hạnh phúc không chỉ dừng lại ở mối quan hệ nam nữ mà còn là tình yêu gia đình, thầy cô, bạn bè, quê hương, đất nước…" - thạc sĩ Nguyễn Phượng Uyên nhắn nhủ.

Chuyên viên tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, lưu ý cha mẹ cũng tránh cổ vũ quá mức khiến con trẻ sa đà chuyện yêu đương, học tập sa sút. Hãy để con hiểu việc học là trọng tâm, hãy biến tình cảm thành động lực chứ không triệt tiêu tinh thần học tập. 

"Thay vì cấm đoán hay áp đặt, cha mẹ nên trò chuyện cởi mở để con có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Luôn lắng nghe để con thấy được cha mẹ tôn trọng và thấu hiểu. 

Đặc biệt, phải đặt ra những quy tắc rõ ràng về việc hẹn hò và yêu đương. Tinh tế xác lập "quyền lực" với con (đi đâu, làm gì cha mẹ phải được biết…); ưu tiên việc học, gia đình, việc nhà… còn lại là việc khác, trong đó có chuyện hẹn hò. 

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG
Nguồn: https://nld.com.vn/cha-me-lam-gi-khi-con-yeu-som-196240608194618155.htm
...