Giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng vù vù, nhiều cửa hàng lớn đồng loạt báo hết vàng để bán?
Sáng nay ngày 21/4/2025, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng mạnh 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu vàng đều báo hết vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn các loại, nguyên nhân do đâu?
Theo thông tin báo Tiền Phong, giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này cũng điều chỉnh tăng lên mức 112 - 115 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý tăng giá vàng miếng SJC lên mức 114 - 116,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 112 - 115,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại khi giá thế giới niêm yết 3.379 USD/ounce, tăng 32 USD/ounce so với đầu giờ sáng. Giá vàng thế giới tương đương 106 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới nên khoảng cách chênh lệch lại nới rộng lên 11 triệu đồng/lượng.

Sáng 21/4/2025, giá vàng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Sáng sớm cùng ngày, thị trường ghi nhận Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 112 - 114 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng miếng SJC trong 1 tuần qua tăng kỷ lục lên mốc 120 triệu đồng/lượng nhưng sau đó cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, tính chung trong 1 tuần, giá vàng miếng SJC vẫn tăng 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn có mức tăng mạnh hơn vàng miếng SJC hơn 8 triệu đồng/lượng sau 1 tuần. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 111,2 - 114 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác niêm yết giá vàng nhẫn bám sát mốc này như thương hiệu vàng Phú Quý niêm yết 109,5 - 113,5 triệu đồng/lượng; Doji 109,5 - 113,5 triệu đồng/lượng…
Dù giá vàng ở mức cao kỷ lục nhưng nhu cầu mua vào vẫn rất lớn khiến vàng trên thị trường trở nên khan hiếm. Người dân và giới đầu tư thường xuyên xếp hàng dài tại các cửa hàng để chờ mua vàng. Các thương hiệu vàng liên tục trong tình trạng “cạn cung”, buộc phải giới hạn số lượng vàng mà mỗi khách hàng được mua.
Theo thông tin báo Người Lao Động, tại Công ty SJC (quận 3, TP HCM) sáng nay, khách tiếp tục xếp hàng chờ mua vàng. Nhân viên công ty cho biết nhu cầu của người mua là chủ yếu, mỗi khách được mua tối đa 2 chỉ/người vàng nhẫn trơn và vàng miếng SJC có thể mua từ 1 lượng.
Trong khi đó, ở một số công ty khác, nguồn cung vàng cũng không quá dồi dào. Nhân viên Tập đoàn DOJI cho hay vàng miếng SJC tại các cửa hàng trong hệ thống không còn hàng. Với vàng nhẫn sẽ bổ sung và khách có thể liên hệ tới các cửa hàng nơi gần nhất.

Tại công ty SJC, khách phải xếp hàng chờ tới lượt, có khi chờ xong công ty báo tạm thời chưa có vàng. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đến sáng nay (21/4), nhân viên công ty cho hay các sản phẩm miếng vàng SJC, PNJ, nhẫn trơn và miếng vàng Tài Lộc của PNJ đang được kinh doanh liên tục (mua vào - bán ra) tại cửa hàng. Khách có nhu cầu liên hệ trực tiếp tại cửa hàng.
Những ngày qua, một số khách hàng phản ánh họ đã tới hỏi nhiều cửa hàng vàng lớn ở TP HCM như PNJ, DOJI nhưng không dễ mua được vàng miếng SJC. Tại công ty SJC, khách phải xếp hàng chờ tới lượt, có khi chờ xong công ty báo tạm thời chưa có vàng, phải ghi phiếu để hôm sau quay lại...
Diễn biến này, theo một số chuyên gia vàng là bình thường. Đây là thực tế đã xảy ra từ hơn 1 năm nay. Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích do từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn trơn nên nguồn cung khan hiếm. Với vàng miếng SJC, các doanh nghiệp lớn như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu… cũng không nằm trong danh sách các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường.
Nguồn cung vàng miếng của các doanh nghiệp này cũng chủ yếu là mua đi – bán lại trên thị trường. Do đó, một số thời điểm, khách chỉ mua mà không bán hoặc ngược lại, nguồn cung sẽ hạn chế.