TIÊU DÙNG

Giá đầu thầu cao hơn thị trường, làm sao bình ổn vàng?

25/04/2024 - 09:15

Giá cọc cao, giá trúng thầu cao trong khi giá vàng thị trường tăng giảm bất thường khiến nhiều đơn vị không dám bỏ thầu. Theo các chuyên gia, đây chính là lý do khiến mục tiêu hạ nhiệt giá vàng bằng đấu thầu khó thành công.

Thị trường vàng trong nước hơn 1 tuần qua liên tục điều chỉnh giảm trước thông tin đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi có kết quả đấu thầu, giá vàng SJC lại tăng mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có một phần tâm lý kết quả đấu thầu không được như kỳ vọng.

Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 23/4 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức có 7 ngân hàng gồm VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu là 16.800 lượng. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu là SJC và ACB với số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá trúng thầu này cao hơn 620.000 - 630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng.

Kết quả phiên đấu thầu vàng cho thấy, chỉ được khoảng 20% lượng vàng có chủ mới, lượng vàng còn “ế” chiếm gần 80%.

  Đấu thầu vàng ngày 23/4 vẫn còn 80% lượng vàng

  Đấu thầu vàng ngày 23/4 vẫn còn 80% lượng vàng "ế" (Ảnh minh hoạ)

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính khiến vẫn còn lượng lớn vàng là do giá vàng quốc tế biến động quá lớn. Từ đêm 22/4 đến sáng 23/4, giá vàng thế giới giảm đến 60 USD/ounce. Cùng với đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra ở mức 80,7 triệu đồng/lượng vẫn còn cao, khiến các đơn vị sợ rủi ro.

Theo ông Khánh, NHNN quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được đặt là 14 lô (1.400 lượng), tương đương khoảng 113 tỷ đồng. Như vậy, việc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng chưa biết lời lỗ ra sao khiến các đơn vị cũng ngập ngừng không tham gia.

Với giá trúng thầu chỉ thấp hơn thị trường hơn 1 triệu đồng/lượng, ông Khánh đánh giá không thể làm hạ nhiệt thị trường ngay được. "Theo tôi, NHNN sẽ phải đấu thầu 4 - 5 phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giá cọc sẽ phải thấp hơn nữa mới hấp dẫn các đơn vị bỏ thầu."

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, phiên đấu thầu chỉ mang yếu tố tâm lý, giá tham chiếu và cả giá đầu thầu quá cao, nên không có tác dụng giúp giảm giá thị trường vàng trong nước, cho dù đấu thầu thành công. Dù có đấu thầu thành công 100,000 lượng giá vàng vẫn không thể giảm được giá vàng trong nước và vẫn neo ở mức cao. "Giá vàng đấu được quá cao, nếu tổ chức bán ra cũng phải cao hơn giá 81.32 triệu đồng/lượng và vẫn phải có phần lời từ 1-2%. Rõ ràng phiên đấu thầu không đạt mục tiêu đề ra ban đầu. Do đó, trong các phiên đấu thầu sắp tới, NHNN nên cân nhắc giảm giá tham chiếu xuống"-PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân khẳng định.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức giá cọc quá cao so với giá trung bình của thế giới và nó cũng cao trong điều kiện giá vàng miếng đang có xu hướng giảm. Ông Thịnh cho rằng, nếu đấu thầu xong gần 17.000 lượng vàng thị trường cũng đỡ áp lực về cung, góp phần hạ giá vàng ở một góc độ nào đó.

Tình trạng đấu thầu vàng bị "ế" không phải là "chưa từng có tiền lệ". Trước kia, vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã từng tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Trong đó, tại phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/3/2013 với 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký, nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Điều đáng nói, chỉ có 2 đơn vị trúng thấu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Mỗi đơn vị trúng thầu 1.000 lượng. Như vậy, ở phiên đấu thầu đầu tiên này Ngân hàng Nhà nước "ế" 24.000 lượng vàng.

Nhiều công ty vàng thời điểm đó giải thích lý do không tham gia đấu thầu là vì mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra quá cao, chưa hợp lý, trái hẳn với dự đoán của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) thừa nhận: "Các công ty vàng sẽ phải tính toán rằng mua giá đó thì bán cho ai. Thông thường phải có đầu ra các công ty mới dám mua, mà chủ yếu 70% sẽ là bán sỉ, 30% còn lại mới bán lẻ. Trong khi những ngày gần đây giá vàng thế giới biến động trong biên độ rất rộng nên các công ty vàng tham gia đấu thầu sẽ phải rất cân não".

Theo thông báo mới đây từ NHNN, ngày mai (25/4) sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Số lượng này bằng với phiên đấu thầu ngày 23/4.

Các thông tin không có thay đổi so với phiên trước đó. Khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10% tương tự phiên đấu thầu trước.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo mức giá tham chiếu. Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại phiên đấu giá trước để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/gia-dau-thau-cao-hon-thi-truong-lam-sao-binh-on-vang-1982922.html
...