TIÊU DÙNG

Cả làng thành tỷ phú nhờ đi "nhặt rác"

15/04/2024 - 11:35

Hơn 30 năm qua, kinh tế của người dân ở làng Khoai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) phát triển mạnh mẽ, nhiều người thành tỷ phú nhờ đi khắp cả nước mua thứ người khác bỏ đi như nhựa, nilon.

Nằm giáp ranh với huyện Gia Lâm (Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô khoảng 25km về phía đông, thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) lâu nay được biết đến là làng tỷ phú nhờ mua những đồ người khác bỏ đi về để tái chế như nhựa, nilon.

Tỷ phú nhờ... nhựa

Ngay từ cổng làng Khoai, đã xuất hiện những bao tải, bên trong đựng đầy nhựa tái chế, nilon. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe tải, xe ba gác lớn nhỏ chở những bao tải "đồng nát" đi qua cổng làng.

Các bao tải chứa nhựa tái chế, nilon được chất đống dọc hai bên đường làng. Một số bãi đất trống được người dân tận dụng thành nơi tập kết hàng, hàng chục bao tải chứa nhựa, nilon xếp chồng lên nhau cao hơn 10 mét.

Những điểm này trở thành các bãi tập kết nhựa và là nơi làm việc của các công nhân phân loại nhựa, nilon tái chế.

 Nhựa tái chế, nilon được tập kết kín hai bên đường dẫn vào thôn Minh Khai (Ảnh: Tiên Phong).

 Nhựa tái chế, nilon được tập kết kín hai bên đường dẫn vào thôn Minh Khai (Ảnh: Tiên Phong).

Ngồi lọt thỏm giữa đống nhựa cao hơn đầu người, đôi tay thoăn thoắt, chị Nguyễn Thị Thùy (quê Thái Nguyên) phân từng loại như chai, túi nilon, vỉ thuốc, áo mưa... thành các đống khác nhau.

Gạt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên má, chị Thùy kể, công việc bắt đầu từ 7h và kết thúc vào 17h hàng ngày.

Công việc hàng ngày của chị là nhặt, lọc các loại đồ nhựa có thể tái chế để chuyển vào xưởng xử lý, sản xuất nằm sâu trong làng.

Với công việc này, tiền công chị Thùy nhận được khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày.

Những ngày đầu đến làng Khoai, chị Thùy có phần bị sốc vì vấn đề ô nhiễm từ mùi hôi bốc ra từ nhựa, nilon. Lâu dần thành quen, đến nay chị đã gắn bó với nghề phân loại nhựa tái chế được hơn 3 năm.

 Công việc phân loại nhựa, nilon không quá vất vả nhưng có phần độc hại (Ảnh: Tiên Phong).

 Công việc phân loại nhựa, nilon không quá vất vả nhưng có phần độc hại (Ảnh: Tiên Phong).

Gắn bó gần 30 năm với nghề phân loại nhựa ở làng Khoai, chị Nguyễn Thị Hoa (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, đầu những năm 90, các chủ xưởng kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ nhận hàng trong tỉnh.

Ít năm sau, nhận thấy công việc cho thu nhập ổn định, nên nhiều chủ xưởng đã đi khắp nơi trên cả nước để nhập hàng, một số người còn đi nước ngoài.

Gần 10 năm trở lại đây, nhiều gia đình có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh nên quây tôn làm thành các xưởng xử lý nhựa.

Chị đánh giá, công việc không quá phức tạp, vất vả nhưng phải chịu được "bẩn", vì nhiều túi nilon khi được đưa về bốc mùi hôi thối rất khó chịu, đặc biệt là những ngày hè nắng nóng.

Việc tái chế nhựa, nilon gồm các khâu như phân loại, rửa, đảo, nghiền, nóng chảy...

"Công việc có phần độc hại nhưng mỗi ngày chúng tôi chỉ kiếm được từ 230.000 đến 250.000 đồng", chị Hoa tâm sự và cho biết thêm, hầu hết các xưởng tại làng Khoai chỉ có công nhân làm việc còn chủ xưởng đi khắp nơi để nhập, chuyển hàng.

 Hiện công nhân làm việc tại làng Khoai chủ yếu là người ngoại tỉnh, các chủ xưởng thường rơi làng từ sáng sớm để nhập hàng (Ảnh: Tiên Phong).

 Hiện công nhân làm việc tại làng Khoai chủ yếu là người ngoại tỉnh, các chủ xưởng thường rơi làng từ sáng sớm để nhập hàng (Ảnh: Tiên Phong).

Công việc phân loại, xử lý, tái chế, sản xuất đồ dùng từ nhựa hầu hết do cánh phụ nữ đảm nhiệm, còn cánh nam giới phụ trách việc khuân vác, chở các bao tải nhựa từ bên ngoài về làng hoặc từ những điểm tập kết, phân loại nhựa đến xưởng sản xuất.

Làng nghề Minh Khai nay đã phát triển có hệ thống, trở thành một cụm công nghiệp được mệnh danh là "thủ phủ tái chế nhựa" lớn nhất cả nước.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Theo ông Phùng Văn Thắng (70 tuổi, người dân làng Khoai), hiện trong làng có hàng trăm gia đình sinh sống bằng nghề thu gom và tái chế nhựa.

Hơn 20 năm trước, người dân tự đi thu mua về rồi phân loại, tái chế.

Sau này, để mở rộng sản xuất, người làng phải thuê thêm nhân công từ các tỉnh khác. Hiện phần đông công nhân tại các xưởng sản xuất là người ngoại tỉnh.

Những người chủ gốc ở làng Khoai đều rời khỏi làng từ sáng sớm để đi thu mua phế liệu và trở về khi trời đã tối mịt.

 Dạo quanh một vòng thôn Minh Khai không khó để bắt gặp những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát bên nhau (Ảnh: Tiên Phong).

 Dạo quanh một vòng thôn Minh Khai không khó để bắt gặp những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát bên nhau (Ảnh: Tiên Phong).

Bên cạnh việc cho thu nhập cao, nhiều người đổi đời, kiếm tiền tỷ từ tái chế nhựa, song ông Thắng và nhiều người làng Khoai thừa nhận môi trường ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Ông Phùng Văn Vinh, Trưởng thôn Minh Khai cho biết, từ những năm 90, nhiều gia đình trong thôn đã có hoạt động thu gom phế liệu nhựa.

Tới nay, trong thôn có khoảng 600 hộ gia đình làm kinh tế bằng nghề thu mua và tái chế nhựa.

Rất nhiều người trong số này đã đổi đời, trở nên giàu có, kiếm tiền tỷ, xây được những ngôi nhà và biệt thự cao 2-3 tầng.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận việc nhựa, nilon từ khắp nơi tập kết về thôn Minh Khai đã khiến môi trường sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thôn Minh Khai đang kiến nghị với UBND thị trấn Như Quỳnh quan tâm đến tình hình trong thôn, có phương án xây dựng lò đốt các phế liệu không có khả năng tái chế sao cho đảm bảo, không gây tác hại đến môi trường sống của người dân.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ca-lang-thanh-ty-phu-nho-di-nhat-rac-1979635.html
...