SỐNG KHỎE

Tiệu chứng thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 và những điều cần biết

15/05/2025 - 14:00

Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 là bệnh lý phổ biến ở dân văn phòng, gây đau vai gáy dai dẳng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc người mắc.

Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 là gì?

Thoái hóa đốt sống là bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở vùng cột sống cổ từ C2-C7. Trong đó, thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 là thường gặp ở dân văn phòng và những người thường xuyên phải mang vác nặng. Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 là hiện tượng các cấu trúc xương, sụn, đĩa đệm và dây chằng tại vị trí đốt sống cổ thứ 3 và 4 bị bào mòn, suy yếu theo thời gian hoặc do chấn thương, tư thế sai lệch.

Hoặc khi đĩa đệm C3 C4 mất nước, nứt rách, xẹp xuống hoặc tại rìa các đốt sống xuất hiện các mỏm gai xương chèn ép rễ thần kinh cổ hoặc tủy sống, gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động của vùng cổ, vai, gáy hay cánh tay.

 Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 đang ngày càng phổ biến ở dân văn phòng

 Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 đang ngày càng phổ biến ở dân văn phòng

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ C3 C4, trong đó phổ biến nhất là:

- Tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên làm sụn khớp và đĩa đệm bị thoái hóa, giảm khả năng đàn hồi.

- Tư thế sai lệch kéo dài: Ngồi cúi đầu nhiều, sử dụng điện thoại, máy tính không đúng tư thế trong thời gian dài.

- Chấn thương cổ: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, va đập mạnh có thể ảnh hưởng đến đốt sống cổ.

- Làm việc nặng, mang vác sai cách: Gây áp lực lớn lên vùng cổ, dễ dẫn đến thoái hóa sớm.

- Yếu tố di truyền: Một số người có cấu trúc cột sống bẩm sinh dễ bị thoái hóa.

- Thiếu vận động: Ít hoạt động thể chất làm giảm tuần hoàn máu, nuôi dưỡng xương khớp kém.

- Béo phì, thừa cân: Tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là đốt sống cổ.

 Ngồi sai tư thế là nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

 Ngồi sai tư thế là nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ C3-C4

Người bệnh thoái hóa đốt sống cổ C3-C4 thường gặp các dấu hiệu sau:

- Đau cổ vai gáy: Cảm giác đau âm ỉ, đôi khi nhói mạnh ở vùng cổ, tăng khi cử động, ngồi lâu hoặc thay đổi thời tiết. Nếu rễ thần kinh bị chèn ép, cơn đau có thể lan từ cổ xuống vai, cánh tay, thậm chí ngón tay.

- Co cứng cơ vùng cổ gáy, khó quay đầu: Người bệnh gặp khó khăn trong việc cúi ngửa, xoay cổ, thường xuất hiện vào buổi sáng. Gây mỏi mệt, khó chịu, giảm năng suất lao động.

- Tê bì, yếu cơ: Tê ngứa, châm chích ở tay, yếu lực cầm nắm hoặc vận động.

- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai: Trong trường hợp thoái hóa gây chèn ép ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lên não.

 Đau vùng cổ là triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

 Đau vùng cổ là triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

Cách điều trị thoái hóa đốt sống cổ C3-C4

Thoái hóa đốt sống cổ C3-C4 không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như teo cơ, hạn chế vận động… Dưới đây là các biện pháp điều trị phổ biến hiện nay:

- Điều trị nội khoa (bảo tồn): Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ để giảm đau, co cứng cơ cột sống cổ.

- Vật lý trị liệu: Biện pháp thường được áp dụng là kéo giãn cột sống cổ, điện xung, sóng ngắn, laser trị liệu, chườm nóng/lạnh, xoa bóp trị liệu, bài tập phục hồi chức năng để thư giãn cơ, kháng viêm, nâng cao hiệu quả giảm đau, cải thiện vận động.

- Phẫu thuật: Áp dụng trong trường hợp chèn ép tủy sống nghiêm trọng, thoát vị đĩa đệm nặng dẫn đến teo cơ, tàn phế, biến dạng cột sống… hoặc phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả.

Cách phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ C3 C4

Để cải thiện và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ C3 C4, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:

- Giữ tư thế đúng khi ngồi làm việc, đọc sách, dùng điện thoại.

- Không cúi cổ quá lâu – mỗi 30 phút nên thay đổi tư thế một lần.

- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài yoga, pilates tốt cho cột sống.

- Tránh mang vác vật nặng quá sức, đặc biệt trên vai, gáy.

- Kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên cột sống.

- Bổ sung canxi, vitamin D, omega-3 trong chế độ ăn uống.

- Đi khám định kỳ khi có dấu hiệu bất thường ở cổ, vai, tay.

 

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://giadinhonline.vn/thoai-hoa-dot-song-co-c3-c4-va-nhung-dieu-can-biet-d205947.html
...